Trầm cảm và lo âu đối với các doanh nhân là vấn đề hết sức phổ biến và gần như là điều không thể tránh khỏi, ít nhất là trong một thời điểm nào đó hoặc thậm chí là cả hành trình.
Tuy nhiên, hầu hết những người trong cuộc lại không muốn nhắc tới bởi niềm tự kiêu, cái tôi quá lớn và nỗi sợ hãi phải công khai điểm yếu của mình cho gia đình, bạn bè, nhân viên của mình biết. Nhất là khi tất cả họ đều nghĩ bạn đang sống trong giấc mơ của mình.
“Vâng, chúng tôi đang sống trong giấc mơ của mình. Chúng tôi thật sự hạnh phúc và cảm thấy biết ơn vì được làm những gì mình yêu thích. Tuy nhiên, mọi chuyện đôi khi khó hơn những gì tưởng tượng. Chúng tôi thường xuyên cảm thấy mình bị rơi vào hố sâu buồn bã, thất vọng và không chắc chắn về tương lai”.
Dưới đây là những lý do chính tại sao tôi lại nhận thấy mình phải chống lại bóng đen của trầm cảm và lo âu ở một số điểm trong hành trình làm doanh nhân của mình. Tôi viết những điều này ra vì 2 mục đích:
- Đầu tiên là cho những người bạn cùng là doanh nhân như tôi – người đang phải tìm cách để vượt qua nỗi cô đơn;
- Thứ hai là cho những doanh nhân lần đầu khởi nghiệp vẫn chưa biết tới những vật cản có thể ập đến.
Trên đỉnh cao của sự cô đơn
Là ông chủ quả thật tuyệt vời phải không? Nhưng ai biết rằng bạn cũng phải gánh trên vai trách nhiệm cho tất cả những sai lầm, thất bại, thua lỗ và nhìn chung là cả bất kỳ thứ gì mà nhân viên của bạn làm sai. Không ai khác ngoài bạn phải chịu trách nhiệm và bị đổ lỗi cho tất cả những vấn đề đó.
Tất cả những gì bạn có thể làm là miễn cưỡng chấp nhận và tìm cách giải quyết chúng, âm thầm hy vọng những thứ tồi tệ như vậy sẽ không xảy ra một lần nữa, nhưng vẫn phải vờ như mọi chuyện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Không ai muốn làm việc cho một ông chủ hay phàn nàn, kêu ca.
Khi thua lỗ, không ai có thể cho bạn câu trả lời. Bạn phải tự tìm ra cách tốt nhất cho công ty. Không ai có thể giúp bạn cả. Bạn phải tin tưởng vào bản năng của chính mình, dù nó sẽ đưa bạn đi trên một con đường mà không ai từng đi trước đó – bạn sẽ trở thành kẻ độc hành trên con đường đó.
Thất bại sẽ cực kỳ đau đớn
Nếu đang làm trong một tổ chức lớn, thất bại với một dự án có thể gây ra cho bạn một vài rắc rối, hoặc tiếp tục làm việc hoặc bị sa thải. Tuy nhiên, nếu tự khởi nghiệp kinh doanh mà thất bại, chắc chắn là phải đóng cửa.
Đó là nỗi đau đớn lớn nhất mà không ai có thể cảm nhận được nó nhiều như chính bản thân bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải vờ như mọi chuyện không có gì lớn lao, cho cả thế giới thấy rằng mình vẫn đang điềm tĩnh, giải quyết, cải thiện tình hình khó khăn hiện tại.
Để làm được điều đó dĩ nhiên cần rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong khi đó nỗi đau trong quá khứ vẫn còn gặm nhấm hy vọng có thể làm lại từ đầu. Điều này đôi khi quá sức gánh vác của bạn.
Tự ti đi kèm với thiếu quyết đoán
Tất cả các doanh nhân đều thiếu tự tin. Lúc nào cũng vậy. Bởi chúng tôi tạo ra những đứa con tinh thần của mình và dù ai nói gì đi chăng nữa thì cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới tâm trạng của mình.
Rất nhiều người trong số chúng tôi chịu sự chỉ trích trực diện về sản phẩm và dịch vụ của mình, cho rằng chúng chưa đủ tốt hoặc có thể sẽ thua lỗ và bị đánh bại bởi đối thủ cạnh tranh.
Trong khi bạn liên tục phải tạo động lực cho đội ngũ nhân viên thì thật khó khăn để tìm ra nguồn động lực cho chính bạn – một người nói với bạn rằng bạn đang làm tốt lắm, bạn là lãnh đạo xuất sắc và rằng bạn đang đi đúng hướng!
Cân bằng giữa quản lý kinh doanh và những mối quan hệ cá nhân luôn khó khăn
Tình bạn hay các mối quan hệ cá nhân đôi khi phải được để làm bệ đỡ phát triển doanh nghiệp của bạn. Các mối quan hệ và tình bạn có thể giúp tạo dựng nên một doanh nghiệp tốt và ngược lại.
Thật tồi tệ khi buộc phải chọn một trong hai. Điều này khiến bạn cảm thấy mất mát. Việc cân bằng cả 2 luôn gây ra sự khó khăn.
Bị hút cạn thời gian bởi những phán xét vô lý
Trở thành doanh nhân hay CEO, bạn phải chường khuôn mặt mình cho mọi người phán xét. Từ các nhà đầu tư, khách hàng rồi cả nhân viên nữa.
Cả những người trên mạng xã hội cũng sẽ nhanh chóng bàn luận, xem bạn như một kẻ thất bại dù chỉ thấy đôi chút khả năng giảm sút xuất hiện. Tôi từng ghét vào mạng xã hội và chứng kiến mọi người bàn tán về mình, doanh nghiệp của mình và để lại những bình luận.
Những điều đó thật sự khiến tôi đau đớn. Làm gì tôi cũng không thể quen với những bình luận như vậy. Tại sao ư? Không ai ngoài tôi bị đổ lỗi và là lãnh đạo thì phải chịu sự cô đơn.
Tỉ mỉ đối với từng chi tiết nhỏ trong doanh nghiệp của mình có thể trở thành thói quen và gây nguy hiểm
Là nhà sáng lập ra doanh nghiệp và sản phẩm, bạn sẽ luôn bị ám ảnh bởi mọi thứ. Cả ngày lẫn đêm. Mỗi chi tiết nhỏ đều phải hoàn hảo, phải đúng như trong mường tượng của mình. Không thể phủ nhận đó là lý do tại sao nhiều doanh nhân thành công nhưng nó cũng là lý do khiến không ít người thay đổi, mất bình tĩnh và tức tối với mọi thứ nếu chúng không nằm trong kế hoạch.
Không may là nó luôn xảy ra. Vòng quay này không bao giờ dừng lại. Cảm giác này, nỗi buồn này cũng khiến bạn xa lánh những người khác. Họ sợ khiến bạn buồn hoặc chính bạn cảm thấy có lỗi với họ.
Đôi khi tôi cư xử ở nhà giống hệt cách mình làm việc và rồi sau đó mới chợt nhận ra đây là gia đình chứ không phải doanh nghiệp.
Mất niềm tin vào đối tác, bạn đồng hành
Một trong những điều đáng buồn nhất trong kinh doanh là xảy ra tan vỡ giữa các nhà đồng sáng lập. Thật không thể tránh được khi 2 người cùng nhau tham gia vào một sứ mệnh cuối cùng lại chia rẽ vì khác mục tiêu và tầm nhìn.
Nếu may mắn, mọi thỏa thuận diễn ra suôn sẻ và mỗi người có thể theo đuổi con đường riêng của họ. Tuy nhiên, thông thường tình huống diễn ra phức tạp hơn khi bạn phải đối đầu với người đồng sáng lập của mình và không thể giải quyết trước khi doanh nghiệp bị đổ vỡ. Điều này có thể gây ra một sự chấn động đối với cả hai.
Thật thất vọng vô cùng khi biết được mình đã chọn sai người đi cùng mình trên con đường kinh doanh, xây dựng ước mơ. Nó khiến niềm tin của bạn bị xáo trộn và thật khó để bạn có thể tin tưởng vào bất kỳ ai khác nữa.
Đôi khi tôi có việc cần tới vài công ty lớn và vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng mới hơn 5 giờ mà nhân viên đã về gần hết. Một nhân viên ở đó nói: "Tôi làm việc để sống, chứ không sống để làm việc". Nhưng tôi thì ngược lại.
Tôi có kỹ năng quản lý thời gian khá tốt, nhưng rốt cuộc vẫn bị xoay như chong chóng. Tôi phải giải quyết mọi vấn đề ảnh hưởng đến số dư tài khoản của mình, dù nó xảy ra khi nào và do ai gây ra đi chăng nữa.
Đối với doanh nhân, nghỉ lễ hay cuối tuần thì vẫn là ngày làm việc. Tôi không thể bỏ việc đấy mà đi chơi được. Tôi không có ông chủ, nhưng có cả trăm khách hàng. Tôi có cả tá đối thủ chỉ chực chờ mình phạm sai lầm. Cứ hỏi bất cứ doanh nhân nào mà xem, họ chẳng bao giờ bỏ công việc ra khỏi đầu được.
Từ tăng thuế, chi phí chăm sóc sức khỏe đắt đỏ, luật làm thêm giờ, luật lao động, kiểm toán nhà nước, giấy phép của chính quyền cho tới yêu cầu bồi thường của công nhân, doanh nghiệp luôn phải tốn cả đống thời gian để giải quyết những vấn đề này với Chính phủ.
Cứ một quy định mới được đưa ra kèm theo cả núi giấy tờ, tài liệu, là một lần khiến doanh nghiệp phải đau đầu. Đôi khi điều này khiến tôi như phát điên lên được.
Sự phức tạp là kẻ thù trong kinh doanh
Trong cuộc sống cũng như kinh doanh, hầu hết mọi thứ đều bị làm phức tạp hơn nó vốn có. Sự phức tạp có từng tầng mà chính con người đang tự thêm vào trong khi bản chất tự nhiên của nó rất đơn giản. Chúng ta cho rằng vấn đề phức tạp cần đến giải pháp phức tạp.
Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Nếu bạn buộc bản thân phải quay lại và nhìn vào bức tranh lớn hơn, bạn sẽ nhìn thấy giải pháp tốt nhất thường là giải pháp đơn giản nhất.
Sẽ ra sao nếu năm tới không có doanh thu? Nền kinh tế mà suy thoái thì sẽ thế nào? Liệu đối thủ có tung ra sản phẩm tốt hay rẻ hơn không? Nếu nhân viên cốt cán nghỉ việc? Nếu nhân viên kiện công ty? Khách hàng bị thương khi sử dụng sản phẩm hay bị ngộ độc khi dùng bữa ở nhà hàng của mình?
Doanh nhân luôn bị ám ảnh bởi những chữ "nếu" đó. Tất nhiên là bạn có bảo hiểm, nhưng bảo hiểm cũng chẳng thể cứu vãn danh tiếng hay bảo vệ bạn khỏi những thay đổi chính sách của Chính phủ. Tôi luôn phải lo lắng như vậy bởi tất cả từ nhân viên, đối tác, khách hàng cho tới nhà cung cấp, chưa kể gia đình tôi, đều sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của tôi. Nói chung là nhiều áp lực vô cùng.
Tôi không đang phàn nàn về việc điều hành một công ty đâu. Chỉ đang nói sự thật thôi. Trong cuộc sống, chẳng có gì là tốt hết và xấu hết cả. Tất cả đều là do thái độ mà thôi. Thế nên, nếu bạn đang nghĩ đến việc mở một công ty, bạn nên có thái độ đúng đắn. Vì có rất nhiều lý do khiến việc điều hành doanh nghiệp rất kinh khủng. Và có lẽ đó cũng chính là lý do phần lớn mọi người chẳng muốn làm việc này.
Đó là tất cả những lý do tôi cho rằng là doanh nhân thật sự khó khăn và đau khổ. Tôi hy vọng những chia sẻ này có thể khiến bạn có cái nhìn mới về doanh nhân và nhà lãnh đạo.
Điều quan trọng là tìm ra người thực sự tin tưởng bạn – người có thể trò chuyện về mọi thứ. Đó có thể là người vợ/chồng, gia đình hoặc một người bạn có chung chí hướng. Hãy nhớ rằng, dù làm gì, cảm thấy cô đơn đến thế nào, bạn cũng không bao giờ cô đơn!