Cuộc đời này ngắn ngủi lắm, xin hãy biết ơn cha mẹ khi vẫn còn cơ hội!

Thứ tư - 19/08/2020 10:35
Cha mẹ kiên nhẫn chăm con từng li từng tí khi chúng còn bé, thế nhưng khi con cái lớn lên, chúng lại không đủ kiên nhẫn để thấu hiểu cha mẹ.
Cuộc đời này ngắn ngủi lắm, xin hãy biết ơn cha mẹ khi vẫn còn cơ hội!
Khi còn bé, con cái luôn coi cha mẹ là số 1. Những đứa trẻ ấy luôn nghĩ rằng cha mẹ là người biết mọi thứ, mạnh mẽ tựa hai ngọn núi sừng sững, đem đến cảm giác vô cùng an toàn cho chúng.
 
Thế nhưng, chẳng biết từ bao giờ mà hai ngọn núi này dường như bị thu nhỏ lại. Họ dần dần thận trọng hơn trước mặt con cái, không dám nói gì nhiều, cũng chẳng còn to tiếng.
 
Ngày xưa, chỉ cần con không làm bài tập về nhà, cha mẹ sẽ ngay lập tức quát mắng: “Không chịu làm bài tập về nhà thì đến lớp làm gì?”. Bây giờ thì ngược lại. Khi cha mẹ cứ hỏi đi hỏi lại chúng ta một vấn đề đơn giản, chúng ta nhanh chóng trở nên thiếu kiên nhẫn: “Con đã nói bao nhiêu lần rồi sao cha mẹ vẫn chưa chịu hiểu?” Những lúc như vậy, cha mẹ lại đành cười trừ, hoặc im lặng.
 
Càng lớn tuổi, cha mẹ càng dễ bị tổn thương hơn. Bởi lẽ con cái dần dần thay đổi, học nhiều biết nhiều rồi sinh thói xem thường cha mẹ. Chính điều này đã khiến cha mẹ biến thành một “con nhím” thận trọng. Còn gì đáng buồn hơn, khi dành cả đời vất vả nuôi con để rồi lại phải thận trọng trước chính những đứa con mình dứt ruột đẻ ra khi về già?
 
Cách đây không lâu, bộ phim “Gia đình hạnh phúc” đã từng lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả. Nhân vật chính là một chàng trai rất giỏi, đang làm bác sĩ tại một bệnh viện lớn. Tuy nhiên, anh ta mãi chẳng thể thăng tiến nổi, vì phải nhường chỗ cho những người đồng nghiệp tuy yếu kém hơn nhưng lại có gia đình quyền lực hậu thuẫn. Trong khi đó, cha anh chỉ là ông chủ quán mì.
 
Cảm thấy cuộc đời thật bất công, anh ta về trút giận lên cha mình: “Ngày nào cha cũng hỏi con có đói không! Cha chỉ lo được cho con bữa cơm, chứ chẳng thể lo cho con sự nghiệp”. Chàng bác sĩ cho rằng: “Con có được ngày hôm nay đều dựa cả vào nỗ lực của bản thân”.
 
Nghe con trai phàn nàn, người cha cảm thấy áy náy đến mức khóc không thành tiếng. Ông đau khổ nói: “Xin lỗi con, vì cha bất tài nên đã để con phải chịu thiệt thòi”. Thay vì mắng con là đồ bất hiếu, người cha tự nhận hết mọi trách nhiệm về mình.
 
Cảnh phim này cũng chính là hình ảnh thu nhỏ của rất nhiều gia đình trong xã hội. Cha mẹ làm lụng vất vả để nuôi con khôn lớn, để rồi lại bị chúng trách móc là bất tài, không thể giúp chúng thăng tiến.
 
Trên thế giới, số lượng cha mẹ giàu có là không nhiều. Hầu hết họ đều là những người làm công ăn lương bình thường, làm lụng quần quật mỗi ngày vì muốn cho con cái đủ ăn đủ mặc. Nhiều đứa con không hiểu được rằng cuộc sống mà chúng nghĩ là “tầm thường” đó đã nuôi sống chúng mỗi ngày.
 
Có người nói rằng, trưởng thành không phải là vấn đề tuổi tác, mà là khi chúng ta biết cảm thông cho sự không hoàn hảo của cha mẹ. Thật ra, cha mẹ cũng chỉ là những người bình thường. Có thể họ sẽ không thể giúp được gì nhiều cho chúng ta sau này về mặt tài chính. Có thể họ sẽ không thể theo kịp sự phát triển của thời đại, để rồi hai bên bất đồng quan điểm do khoảng cách thế hệ quá lớn. Thế nhưng, chỉ vì thế mà chúng ta trở nên thiếu kiên nhẫn và ghét bỏ cha mẹ thì cả đời này chúng ta cũng chẳng thể sống một đời hạnh phúc. Bởi lẽ, cha mẹ chính là gốc rễ: gốc rễ không được chăm sóc tốt thì cũng chẳng thể cho hoa thơm quả ngọt.
 
Hiếu thảo có nghĩa là cảm thông và thấu hiểu cha mẹ. Chỉ khi biết hiếu thảo với những người sinh thành, nuôi dưỡng mình thì con người mới có thể làm nổi những chuyện lớn lao khác. Do đó, lòng hiếu thảo chính là thứ cần có nếu muốn cuộc sống suôn sẻ mỗi ngày.
 
Diễn viên Cao Á Lân từng nói: “Cha mẹ chính là bức tường ngăn cách con cái với thần Chết”. Dù ở độ tuổi 30 hay 60, chúng ta luôn nghĩ cái chết còn rất xa, chừng nào cha mẹ vẫn ở bên cạnh mình. Thế nhưng, khi cha mẹ rời bỏ ta để về với cát bụi, chúng ta chính thức trở thành những đứa trẻ mồ côi. Cha mẹ cho chúng ta cuộc sống nhưng lại không thể cùng ta đi đến cuối con đường - đó chính là nỗi buồn lớn nhất trong cuộc đời của mỗi con người.
 
Đến một ngày nào đó, chúng ta trở về nhà và gọi cha mẹ, nhưng đáp lại chỉ là một sự im lặng tràn ngập căn phòng trống. Khi đó, chúng ta mới thấy những lời cằn nhằn, những lời trách mắng, những yêu cầu tưởng như phiền hà xưa kia hóa ra lại là một sự may mắn lớn.
 
Chỉ khi đã từng ngồi chờ trong căn phòng hồi sức tích cực tại bệnh viện…
 
Chỉ khi đã từng đến viếng một người thân quen…
 
Chỉ khi đã từng trải qua tai nạn thập tử nhất sinh để hiểu sự mong manh của đời người…
 
… chúng ta mới thấu hiểu hết ý nghĩa của cha mẹ trong cuộc đời mình.
 
Xin đừng đổ lỗi cho “sự bất tài” của cha mẹ: Cha mẹ có thể không đủ khả năng để cho chúng ta điều chúng ta muốn, nhưng cho chúng ta khả năng để tự thực hiện điều đó. Chúng ta có làm nên chuyện hay không, tất cả đều dựa vào năng lực của chính mình.
 
Xin đừng chê trách bố mẹ nhiều lời: Hạnh phúc chính là được nhìn thấy cha mẹ khỏe mạnh. Đến một ngày không còn được nghe những lời dông dài này nữa, chúng ta sẽ rất nhớ chúng. Vậy nên, đừng đợi tới khi ấy mới biết hối tiếc.
 
Xin đừng ghét bỏ những lời phàn nàn từ cha mẹ: Những lời phàn nàn ấy có thể chúng ta đau lòng, nhưng rốt cuộc, cha mẹ làm vậy cũng vì yêu thương và muốn tốt cho chúng ta.
 
Xin đừng bực mình vì sự chậm trễ của cha mẹ: Khi còn nhỏ, chúng ta dựa vào cha mẹ để bước đi. Khi cha mẹ già, họ phải dựa vào chúng ta để di chuyển. Vì thế, hãy nhớ rằng chúng ta cũng từng ở vào vị thế của cha mẹ mình.
 
Xin đừng bỏ rơi cha mẹ lúc ốm đau: Sinh lão bệnh tử vốn là quy luật tất yếu của tự nhiên. Ngày xưa khi chúng ta ốm đau, cha mẹ đã dốc lòng chăm sóc, thì giờ đây khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, chúng ta cũng phải báo đáp công ơn.
 
Hỡi những ai vẫn còn cha mẹ trên thế gian này, xin hãy đối xử với họ thật tốt trước khi quá muộn!

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây