Hành động quan trọng hơn lời nói

Thứ ba - 10/05/2022 11:35
Đừng tiêm nhiễm thói quen xấu này vào đầu trẻ. Cha mẹ cần thận trọng với chính lời nói và hành động của mình. Sức mạnh của làm gương là vô hạn. Khi trẻ chưa hiểu đúng ý nghĩa đúng sai, chúng sẽ quan sát và bắt chước hành vi của cha mẹ.
Hành động quan trọng hơn lời nói
Chính bởi vậy, để con có thể có tấm gương đúng đắn, tốt đẹp nhất, cha mẹ cần chú ý xem mình đã tuân thủ các quy tắc cuộc sống, ứng xử và đạo đức chưa, liệu bạn có đang định hướng con mình sai cách mà không hề nhận ra. Dưới đây là những thói quen xấu mà cha mẹ thường mắc song không ý thức được chúng có thể ảnh hưởng xấu đến con mình như thế nào.

Thiếu kiên nhẫn

Bạn trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi và thấy quần áo đồ chơi bừa bãi khắp nơi, cùng một đứa trẻ đang khóc nức nở bên cạnh, bạn cuối cùng không nhịn được nữa và la lên: "Sao con cứ khóc hoài vậy hả! Đừng khóc nữa, thật là đứa trẻ phiền phức!".

Lời nhắc nhở:

Một đứa trẻ có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác trước hết phải nhận được sự tôn trọng từ người lớn. Trẻ con khóc là vì chúng có lý do của mình, đừng mang tâm trạng của bạn để phàn nàn, hãy cúi xuống, ôm trẻ một cách bình tĩnh và dịu dàng, biết đâu vấn đề sẽ được giải quyết. Nếu chúng ta không tôn trọng trẻ như thế, lại cư xử thô bạo với trẻ, trẻ cũng sẽ cho rằng người khác phải làm theo những gì mình nói mà không thể đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ vấn đề.

Không né tránh

Sau nhiều năm kết hôn, bạn và người bạn đời thường xuyên cãi vã với nhau vì những chuyện nhỏ nhặt trước mặt con cái. Sau đó lại làm lành với nhau.

Lời nhắc nhở:

Thái độ đối địch và cãi vã của chúng ta đã tạo cho trẻ tấm gương xấu về hành vi hung hăng. Thái độ, tư thế, giọng điệu và ngôn từ của chúng ta khi cãi vã đều được trẻ quan sát và ghi nhớ. Sau này, khi trẻ chơi đùa, chúng sẽ mắng búp bê bằng giọng điệu nhẹ nhàng hoặc đánh mạnh vào búp bê, hoặc thậm chí nói lời tục tĩu, bậy bạ với bạn bè của chúng.

Quá "hào phóng"

Bạn tiết kiệm và làm việc nhà một cách cần mẫn, không nỡ mua quần áo mới cho mình, nhưng lại cưng chiều con cái, mua bất cứ thứ gì chúng muốn và không bao giờ dạy chúng tiết kiệm.

Lời nhắc nhở:

Loại "tình yêu" này sẽ khiến trẻ chỉ biết đòi hỏi mà không biết cho đi. Hãy giúp trẻ hiểu rằng việc kiếm tiền của cha mẹ không hề dễ dàng, quan trọng hơn là dạy trẻ phải dựa vào chính nỗ lực của mình để đạt được những điều mình muốn. Ngoài cha mẹ ra, không ai sẽ thỏa mãn mọi yêu cầu của bạn một cách vô điều kiện.

Không quan tâm

Sau khi đón trẻ về nhà hàng ngày, chúng ta thường hỏi một cách quen thuộc: "Hôm nay con ở trường mẫu giáo có vui không?". Cùng lúc đó, bạn vừa hỏi vừa bận rộn nấu nướng, dọn dẹp phòng khách.

Lời nhắc nhở:

Nhìn bề ngoài, chúng ta có vẻ quan tâm đến con cái nhưng hành động của chúng ta lại nói với con rằng: Bố mẹ không thực sự quan tâm đến câu trả lời của con. Kết quả là trẻ cảm thấy chúng ta không tôn trọng chúng và học được cách qua loa với người khác. Khi giao tiếp với trẻ, xin hãy để trái tim mình vào.

Không thừa nhận lỗi lầm của mình

Bạn làm vỡ một cái cốc thủy tinh, mảnh vỡ vương vãi khắp nơi, đứa trẻ vô tình giẫm phải và khóc, nhưng bạn lại trách mắng rằng trẻ đi đứng không cẩn thận.

Lời nhắc nhở:

Lỗi lầm do bạn gây ra, nhưng lại để hậu quả đổ lên đầu trẻ. Nếu chúng ta mắc lỗi mà không chịu nhận, vậy thì sau này, trẻ cũng sẽ trở thành người không dám chịu trách nhiệm và nhận lỗi của mình.

Thích than phiền

Bạn bè hủy hẹn, bạn than phiền với vợ con: "Sau này đừng quan tâm đến anh ta nữa".

Lời nhắc nhở:

Việc chỉ trích và than phiền không những không giải quyết được vấn đề mà còn tạo ra tấm gương xấu cho trẻ: khi đối mặt với sự thất vọng, chúng ta không chủ động tìm cách giải quyết vấn đề mà chỉ biết đổ lỗi và than phiền về người khác.

Không giải trí

Con cái đòi bạn kể chuyện, nhưng bạn luôn có rất nhiều lý do để từ chối chúng.

Lời nhắc nhở:

Hành vi của chúng ta khiến trẻ hiểu ra một "lẽ thường": Trong cuộc sống chỉ có làm việc mà không có giải trí, trong gia đình chỉ có việc nhà mà không có trò chơi.

Thích tranh cãi

Bạn và con mình đang xếp hàng chờ thanh toán tại siêu thị. Một người đàn ông chen ngang vào trước bạn. Bạn bắt đầu đôi co và cãi vã với anh ta.

Lời nhắc nhở:

Hành động của chúng ta đã làm gương xấu cho trẻ, khiến chúng nghĩ rằng cãi vã, chửi mắng và thậm chí là đánh nhau là cách tốt để giải quyết xung đột. Bạn sẽ thường xuyên thấy con mình tranh giành đồ chơi và cãi vã hoặc đánh nhau với các bạn nhỏ khác.

Nói dối và trốn tránh

Giáo viên thông báo trước cho bạn viết một bài phát biểu và thuyết trình tại cuộc họp phụ huynh. Nhưng bạn không hề coi trọng việc đó, sau đó bạn gọi điện cho giáo viên, nói rằng bạn bị ốm và yêu cầu cô ấy tìm phụ huynh khác.

 Lời nhắc nhở:

Không hề thử sức đã vội vàng lui bước, hình ảnh rạng rỡ mà chúng ta thường nói với con trẻ rằng "nói là làm, không bao giờ thất hứa" sẽ bị phá hủy ngay lập tức, bọn trẻ học được cách vứt bỏ lời hứa và dễ dàng trốn tránh trách nhiệm bằng cách nói dối.

Nói xấu vợ/ chồng mình

Con đường hôn nhân cuối cùng cũng đi đến hồi kết, trái tim bạn đầy sự oán trách đối với đối phương. Vì vậy, bạn liệt kê với con cái những điều không tốt của người kia và nói với con: "Bố/ mẹ không cần con nữa, con đừng bao giờ để ý đến bố/ mẹ nữa".

Lời nhắc nhở:

Làm như vậy, con cái bạn sẽ học được cách căm ghét và trả thù, vấn đề lớn hơn là chúng sẽ mất niềm tin vào hạnh phúc cả đời của mình.

Quá bao dung

Một ngày nọ, bạn bất ngờ phát hiện ra nửa kia của mình có quan hệ ngoài luồng! Bạn chịu đựng, bạn tự nhủ: "Chỉ cần anh/cô ấy vẫn cần đến gia đình này là được, còn muốn gì nữa đâu, không phải mình muốn cho con một gia đình trọn vẹn sao?".

Lời nhắc nhở:

Một ngôi nhà tưởng chừng như hoàn chỉnh do "ý tốt" của chúng ta tạo ra không thể mang lại cho con cái đủ ấm áp và yêu thương. Điều quan trọng hơn là chúng ta có thể khiến con trẻ lầm tưởng rằng, ngay cả khi hôn nhân gặp vấn đề cũng chỉ có thể chịu đựng, không thể sửa chữa được.

Không kính trọng người già

Sau khi kết hôn, bạn không bao giờ tỏ ra hiếu thảo với người lớn tuổi, cũng không bao giờ đưa con cái đến thăm hỏi, thậm chí thường xuyên chửi bới người già trước mặt con cái.

Lời nhắc nhở:

Thái độ của bạn đối với người già chính là thái độ mà sau này con bạn sẽ đối xử với bạn. Nếu bạn không làm gương cho con về lòng hiếu thảo, thì một ngày nào đó hậu quả xấu sẽ đến với chính bạn!

Vứt đồ lung tung

Bạn luôn có thói quen vứt bừa bãi đồ đạc, và vợ bạn sẽ dọn dẹp mọi thứ bạn vứt và bạn không bao giờ cần phải lo lắng về điều đó.

Lời nhắc nhở:

Người lớn không thích làm việc nhà, chắc chắn cũng sẽ có trẻ em không thích làm việc nhà. Bạn tôn trọng công sức làm việc và cống hiến của các thành viên trong gia đình, con cái mới học được cách tôn trọng gia đình.

Lời nói và việc làm không nhất quán

Bạn thường xuyên khuyến khích con cái phải biết nhường nhịn, chia sẻ, nhưng chính bạn lại tranh giành chỗ ngồi với người già, trẻ em trên xe bus công cộng, hoặc để con trèo lên tượng dưới biển cấm để tạo dáng.

Lời nhắc nhở:

Khi chúng ta nói một đằng làm một nẻo, con cái lớn lên sẽ thấy khó khăn trong việc giữ vững nguyên tắc đạo đức của bản thân.

Thích so sánh

Bạn thường xuyên nói với con rằng: "Nhìn con người ta kìa, học giỏi hơn con nhiều!".

Lời nhắc nhở:

Hành động này, không chỉ làm tổn thương nghiêm trọng đến sự tự tin của trẻ, mà khơi dậy sự oán giận và dạy trẻ tính ghen tị.Trên thực tế, bạn có thể hướng dẫn trẻ nghiêm túc khám phá những ưu điểm của người khác, cũng như khẳng định rằng con bạn cũng có những ưu điểm mà người khác không có, dạy trẻ tiếp tục phát huy điểm mạnh và tránh điểm yếu để trở thành người tốt hơn. Điều này tốt hơn nhiều so với việc dạy trẻ ghen tị với sự xuất sắc của người khác.

Không có trật tự

Trên đường lại kẹt xe. Bạn lái xe từ làn đỗ khẩn cấp qua. Cô con gái 5 tuổi ngồi phía sau hỏi bạn: "Tại sao chúng ta lại đi bên này?". Bạn nói: "Ở đây không có cảnh sát, cũng không có camera, không sao cả".

Lời nhắc nhở:

Khi chúng ta vi phạm luật lệ chỉ vì không có ai giám sát, trẻ sẽ học được rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì miễn là không bị bắt. Khi lớn lên và phải đối mặt với những thách thức, cám dỗ của xã hội hiện đại, chúng sẽ rất khó để có đủ sự kiên định tuân thủ các quy tắc và bảo vệ bản thân mình.

Quá mức bảo vệ

Khi bạn đang bận rộn trong bếp, con trai 6 tuổi của bạn chui vào để giúp bạn bê một đĩa thức ăn vừa mới nấu xong. Bạn vội vàng giật lấy nó, nói: "Đi ra ngoài, đừng có đụng vào việc của người khác, nhỡ bị bỏng thì sao" rồi bạn đuổi con ra khỏi bếp.

Lời nhắc nhở:

Cách chúng ta "bảo vệ" và "lo liệu" cho con cái khiến chúng nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều là việc của cha mẹ và chúng sẽ không bao giờ học được cách tự chịu trách nhiệm cho bản thân. Việc để trẻ tham gia vào công việc nhà một cách phù hợp thực sự không có hại gì.

Không chịu thua

Khi ăn cơm, bạn ngồi trước mặt con cái và bức xúc nói với vợ/ chồng mình: "X vừa được thăng chức, cậu ta thì có tài cán gì chứ, chỉ giỏi nịnh với viết báo cáo nhanh hơn người khác…".

Lời nhắc nhở:

Nếu chúng ta không thừa nhận rằng mình thua kém người khác, con cái chúng ta sẽ học cách coi mình là trung tâm và không muốn tiến bộ.

Tấm gương quan trọng hơn lời nói. Dạy con hàng ngàn lần bằng lời nói không bằng việc tự mình thực hiện để con cái nhìn thấy. Nếu bạn tự mình thể hiện thói quen xấu, con cái sẽ chịu ảnh hưởng xấu; nếu bạn thể hiện thói quen tốt, con cái sẽ chịu ảnh hưởng tốt và sẽ thành công trong cuộc sống, hoặc có thể bạn đã điều hướng sai lầm con cái một đời.

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây