Ý chí mở ra con đường
Con đường đi đến thành công không bao giờ bằng phẳng, muốn chinh phục được chúng ta phải có đủ bản lĩnh, ý chí để vượt qua và phải trả giá rất nhiều. Ý chí giúp chúng ta có thêm nghị lực, niềm tin để làm nên kỳ tích, biến những điều không thể thành có thể.
Trong cuộc sống, khó khăn, thử thách là điều mà chúng ta không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là chúng ta biết cách dùng ý chí, niềm tin để giải quyết những khó khăn, vượt qua những thử thách ấy ra sao. Ý chí và lòng quyết tâm là sức mạnh tinh thần, là tài sản lớn nhất của đời người.
Ý chí phải được tạo nên từ sự quyết tâm đúng đắn chứ không phải từ sự tham lam, mù quáng. Làm chủ bản thân chính là thể hiện ý chí, lòng quyết tâm của mỗi người. Lòng quyết tâm giúp chúng ta khắc phục được sự thiếu tự tin, lối suy nghĩ không tích cực. Biết vươn lên là tốt nhưng phải biết khả năng, sức lực của mình đến đâu.
Nếu không, chúng ta chẳng những không thành công mà chỉ chuốc lấy thất bại. Chúng ta cũng đừng mãi hoài niệm về quá khứ đau buồn mà hãy nhìn về tương lai, rồi sẽ có một ngày chúng ta sẽ tìm được con đường đúng đắn cho bản thân. Với người có ý chí sắt đá thì nghị lực là vô hạn.
Họ luôn cho rằng thất bại luôn chứa đựng những cơ hội, họ biết rút ra những bài học kinh nghiệm từ thất bại để tìm cho mình một lối thoát. Họ xem đó là phép thử để tìm ra điều mình cần. Nghịch cảnh chỉ khiến cho họ mạnh mẽ hơn, thay vì chán nản, buông xuôi, họ lại tìm mọi cách để vượt qua. Họ luôn có lòng tin vào năng lực của bản thân, kiên trì và quyết tâm theo đuổi mục tiêu mà mình chọn.
Ý chí của con người không tự sinh ra mà được hình thành qua quá trình rèn luyện, trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Ý chí tạo cho chúng ta sức mạnh tuyệt đối, giúp chúng ta tìm ra hướng đi, mở ra cơ hội cho ta thành công.
Con đường đi đến thành công không chỉ có ý chí và nghị lực mà cần phải có hoài bão, mục tiêu cần hướng tới để thúc giục chúng ta hành động. Cần có sự tự tin để chúng ta có thể mạnh dạn tiến về phía trước, cần có ý chí để chúng ta đối mặt với những gian nan, thử thách của cuộc đời.
Thành công hay thất bại chỉ cách nhau trong gang tấc. Điều đó tùy thuộc vào con đường mà chúng ta đã đi qua, mục tiêu mà ta đã chọn. Để đến được đỉnh của vinh quang, chúng ta phải đánh đổi khá nhiều. Cuộc sống luôn ẩn chứa vô vàn những khó khăn, chúng ta phải tự vượt qua bằng chính sự nỗ lực của bản thân. Hãy hành động, quyết tâm đi đến tận cùng của thử thách và hãy trở thành một người không biết đầu hàng trước số phận.
Vượt qua nghịch cảnh, bạn sẽ trưởng thành
Nghịch cảnh của cuộc sống, đó là điều mà trong cuộc đời của mỗi người đều phải trải qua. Nghịch cảnh xảy ra không ai muốn, nhưng thực tế nghịch cảnh không phải là bất hạnh mà đó là món quà mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta.
Cuộc sống có muôn vàn lý do khiến cho ta mệt mỏi, dù bạn không muốn thì khó khăn vẫn đến, nỗi buồn vẫn mãi đeo bám. Tất cả những khó khăn và nỗi đau kia là nghịch cảnh mà bạn phải trải qua, cho dù chúng làm bạn khó chịu và chán nản vô cùng. Nghịch cảnh luôn đến một cách bất ngờ, chúng ta khó có thể tránh, đó là những bất trắc mà chúng ta bắt buộc phải đối diện. Bạn có thể bị tổn thương thậm chí đau đớn tột cùng, nhưng rồi bạn vẫn phải sống và dũng cảm đối mặt với thực tại.
Niềm đau, nỗi buồn là một phần tất yếu của cuộc sống, nó giúp ta vững vàng và trưởng thành hơn. Vì thế bạn không nên chìm đắm trong đau khổ mà hãy mạnh mẽ vượt qua những khó khăn ấy. Trốn chạy khó khăn không phải là cách để giải quyết vấn đề, ngược lại còn làm cho vấn đề càng trở nên xấu hơn. Mạnh dạn nhìn thẳng vấn đề, xem xét và tìm ra cách tốt nhất. Với một tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường thì không gì có thể làm khó được bạn.
Đón nhận nghịch cảnh một cách bình thản, bạn mới có thể thay đổi số phận của mình. Chỉ có dám đương đầu với nghịch cảnh, bạn mới có thể làm nên sự khác biệt giữa bản thân mình với những người khác. Và cũng chỉ có bản lĩnh thực thụ, bạn mới có thể đứng vững trong nghịch cảnh và thoát ra được. Đừng bao giờ lấy hoàn cảnh ra để đổ lỗi cho sự hèn nhát của bản thân, mà bạn phải biết vượt lên trên hoàn cảnh vốn có của mình để chiến thắng nó. Đó là cách mà bạn muốn làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình.
Đừng vì một lần thất bại mà bạn không dám đương đầu, sợ lại phải gặp thất bại một lần nữa. Nếu không đối mặt với nghịch cảnh, liệu bạn có thể thấy những khả năng thật sự bên trong con người bạn hay không. Không thể kỳ vọng vào một sự đổi thay nếu bạn không chịu thay đổi, không thể có được một điều kỳ diệu nếu bạn không biến mình thành điều kỳ diệu.
Muốn thành công, bạn phải trải qua thất bại, mỗi lần thất bại đều là để bạn tiến gần hơn đến thành công. Kinh nghiệm rút ra từ nghịch cảnh chính là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho mỗi chúng ta. Hãy bình tĩnh, tự tin, tin vào chính bản thân mình, có như vậy bạn mới có thể dễ dàng vượt qua nghịch cảnh.
Cuộc đời này không ngắn cũng không dài, vì vậy bạn phải biết trân trọng từng giây phút hiện tại. Sống lạc quan, luôn có lòng tin vào tương lai, đó chính là sức mạnh giúp bạn thoát khỏi bế tắc, khủng hoảng trong cuộc sống. Hãy xem khó khăn và thử thách hôm nay chỉ là tạm thời, hãy tin tưởng rằng cuộc đời này vẫn cho ta cơ hội và tự nhủ với lòng rằng ngày mai tươi sáng sẽ nhanh chóng đến.
Sống là không chờ đợi
Cuộc đời của mỗi người muốn thành công phải không ngừng cố gắng, biết làm chủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, bởi cuộc sống không chờ đợi bất kỳ người nào. Cơ hội đến rồi nhanh chóng rời đi, vì vậy chúng ta không nên trì hoãn. Trì hoãn đồng nghĩa với thất bại, chúng ta nhanh chóng đưa ra quyết định sau khi đã suy nghĩ kỹ vấn đề.
Cuộc đời thì hữu hạn, còn thời gian thì vô hạn, khi dừng lại chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Thời gian không chờ đợi một ai, thời gian trôi qua không bao giờ trở lại, chính vì vậy chúng ta sống đừng nên chờ đợi. Những gì ta có thể làm được trong hôm nay chớ để dành cho ngày mai. Xã hội không ngừng phát triển, cuộc sống với hàng loạt những trải nghiệm đang chờ chúng ta khai phá.
Người thật sự có khả năng phải là người biết nắm bắt và xử lý mọi tình huống kể cả trong những lúc khó khăn nhất. Họ luôn cho rằng đằng sau khó khăn là những cơ hội, là con đường dẫn dắt họ đến thành công. Từ trong gian khó, họ sẽ trưởng thành hơn, quyết đoán hơn, có được nhiều bài học kinh nghiệm hơn.
Cuộc sống luôn trao cho chúng ta những cơ hội, nhưng đôi khi chúng ta vẫn cảm thấy không an tâm, bởi vì e ngại sự rủi ro và rồi cơ hội vụt mất chỉ vì chúng ta không biết nắm bắt lấy thời cơ trước mắt. Nếu chỉ chờ thời cơ mà chúng ta không có sự chuẩn bị, không có sự tác động thì thời cơ có đến cũng vô ích.
Chúng ta cũng đừng cứ mãi nhìn vào quá khứ, đắm chìm trong hiện tại mà hãy nhìn vào tương lai tươi sáng để hành động. Cuộc sống hiện đại bắt buộc chúng ta phải thay đổi để bắt kịp xu thế của thời đại. Chúng ta càng thay đổi, tương lai càng tươi sáng, tuy nhiên chúng ta phải biết đủ, phải có thời gian suy ngẫm về cách sống của bản thân để không đánh mất chính mình. Chỉ cần chúng ta chịu thay đổi thì chắc chắn sẽ đạt được điều mình mong muốn.
Cuộc đời của chúng ta là do chúng ta quyết định. Mỗi người đều có ưu điểm và lợi thế của riêng mình, điều quan trọng là chúng ta biết cách biến ưu điểm của mình thành cơ hội. Rèn luyện bản thân, chủ động trong mọi công việc, luôn tạo ra những điều mới mẻ. Biết nắm bắt kịp thời chúng ta sẽ dành được rất nhiều điều có giá trị, có ý nghĩa trong cuộc sống.
Chúng ta sống phải có mục tiêu để không bị mất phương hướng, sống phải biết làm chủ cuộc đời mình, sống cuộc đời của riêng mình, quyết định tương lai của chính mình. Nếu không may bị thất bại thì cũng đừng dừng lại, buông xuôi, làm như vậy bạn càng cảm thấy bế tắc, không lối thoát. Cuộc sống là không chờ đợi, dù có ngã đau thế nào đi nữa hãy cứ đứng lên đi tiếp, rồi bạn cũng sẽ đến đích. Để có thể vững bước trên con đường mà mình đã chọn, bạn còn chần chừ gì nữa mà không quyết định ngay từ hôm nay.
Đức hạnh cội nguồn của hạnh phúc
Mỗi người đều có những phẩm chất riêng và cách mà họ thể hiện phẩm chất của mình cũng có nhiều cách khác nhau. Nhưng tựu trung lại thì phẩm chất và đức hạnh của mỗi người đều được thể hiện qua hành động. Đức hạnh của một người không nhất thiết phải xuất phát từ trình độ học thức, địa vị xã hội của người đó, mà là xuất phát từ tâm của họ. Đức hạnh của mỗi người sẽ tạo ra một gia đình đẹp, một xã hội đẹp.
Trong các mối quan hệ gia đình và xã hội, lời nói, hành động cũng như cảm xúc của từng cá nhân thể hiện đức hạnh của cá nhân đó. Hành động là thước đo đánh giá đức hạnh của một cá nhân, là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong giá trị nhân phẩm con người và là động lực thúc đẩy sự tiến bộ.
Người đức hạnh luôn sống hết lòng vì người khác, yêu thương tất cả mọi người, cho dù người khác có đối xử với mình ra sao đi nữa. Họ biết nhìn lại bản thân để khắc phục những sai lầm từng phạm phải, biết suy nghĩ để hiểu được sự thực của mọi vấn đề.
Và điều đáng quý là họ sống rất khoan dung, độ lượng đối với những ai đã từng gây cho họ đau khổ. Họ luôn cố gắng sống sao cho phù hợp với mọi người xung quanh, thậm chí khi sống một mình, họ cũng vẫn sống hòa hợp với chính bản thân.
Mọi phẩm chất tốt đẹp cần được thể hiện ở trong những hành động cụ thể. Nếu một người có cử chỉ và hành động đúng, đồng nghĩa với việc là người đó có nhân cách tốt, có đức hạnh. Ngược lại, nếu có cử chỉ, hành động không đẹp, thì có thể là một người chưa hoàn thiện về nhân cách, có lối sống ích kỉ.
Khi bạn cảm thấy khó chịu trước thành công của người khác, cảm thấy không hài lòng vì may mắn của người khác, điều đó có nghĩa là bạn đang đố kỵ với họ. Sống trong tâm trạng không thoải mái như vậy, chúng ta cũng sẽ không bao giờ gặt hái được niềm vui, hạnh phúc.
Vì vậy, để có được một cuộc sống vui vẻ, bạn phải biết mở rộng lòng mình đón nhận tất cả. Đem hạnh phúc đến cho người khác điều đó vô cùng đơn giản, nhưng cũng rất cao quý. Dù ở bất cứ cương vị nào chúng ta cũng nên giữ gìn đức hạnh, có đức hạnh chúng ta mới có thể hành động vì lợi ích mọi người được.
Cuộc sống luôn tồn tại những mặt tốt và xấu, nếu không có đức hạnh rất có thể chúng ta mất đi sự phán đoán chính xác, không phân biệt được đúng sai và đó là nguyên nhân dẫn đến những hành động nông nổi. Hãy đặt mình vào cách nhìn tổng quan, bao quát của sự việc mà quan sát, suy xét.
Không để bản thân bị chi phối bởi những tác động không đáng có và càng không nên để sự ích kỷ của bản thân chi phối mọi việc. Biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để có được sự thấu hiểu và cảm thông nhất định, tin rằng kết quả đem lại là cuộc sống đậm nét nhân văn.
Nhân cách sống
Nhân cách là yếu tố quan trọng hình thành nên giá trị của một người. Mỗi người đều có lối sống, suy nghĩ và hành động riêng biệt, nhân cách khác nhau làm nên giá trị khác nhau. Chính vì vậy việc trau dồi, rèn luyện nhân cách để có một phẩm giá cao đẹp, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội rất quan trọng. Mọi người luôn yêu quý và trân trọng những người có nhân cách, có đạo đức tốt đẹp.
Để hình thành nên nhân cách của một người, không chỉ có môi trường sống mà còn bao gồm cả sự giáo dục. Nếu một đứa trẻ được dạy dỗ tốt, theo thời gian nhân cách của chúng dần phát triển, những đức tính tốt đẹp sẽ dần dần trở thành nếp sống, thói quen. Giáo dục lẽ sống phải bắt đầu từ những năm tháng đầu đời của tuổi trẻ.
Đó là khoảng thời gian thích hợp nhất để giáo dục cho chúng lẽ sống, niềm tin và khát vọng. Nếu một người thành công từ trong gian khó, họ sẽ rất trân trọng những gì mà mình đang có, luôn cố gắng phấn đấu để được sở hữu niềm mơ ước. Ngược lại đối với người thành công quá dễ dàng, thuận lợi, họ khó cảm thông, chia sẻ khó khăn cùng người khác, gặp trở ngại họ sẽ nhanh chóng bỏ cuộc.
Sống là phải biết nỗ lực, rèn luyện nhân cách, nâng cao tâm hồn mình theo chiều hướng tốt. Điều đó giúp mỗi người không ngừng tiến bộ và cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Cho dù vị trí trong xã hội có khác nhau, nhưng mỗi người nên có lòng tự trọng, giữ gìn nhân cách của mình và luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Sống bình đẳng với mọi người bằng nhân cách, phẩm giá trong sạch của mình, đó mới là điều hạnh phúc nhất. Nhân cách của một người được thể hiện thông qua hành động và việc làm của người đó. Người có nhân cách tốt không bao giờ có tính đố kị, ghen tị với người khác mà họ luôn nỗ lực để không thua kém người khác.
Họ chịu khó tìm tòi, học hỏi nhiều hơn và duy trì nghiêm túc thói quen này. Họ sống thật khiêm tốn, không hề tự mãn và luôn nhìn lại bản thân mỗi ngày để kiểm tra xem xét lại mọi hành động và suy nghĩ của mình, nỗ lực sửa chữa những sai sót. Sống nhân hậu, vị tha, họ luôn chú tâm vào từng lời nói và mỗi việc làm, không bị chi phối, không bất mãn, lo âu vì những chuyện không cần thiết. Trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc sống, họ đều biết gìn giữ nhân cách, phẩm giá của bản thân, sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình và luôn lắng nghe ý kiến của người khác để hoàn thiện bản thân.
Nhân cách chính là tài sản mà chúng ta cần phải biết coi trọng, gìn giữ. Sống chân thật với bản thân, với tất cả mọi người là điều mà chúng ta cần phải khắc ghi để rèn luyện nhân cách, nâng cao phẩm giá của mình. Điều đó không chỉ giúp ích cho chính bản thân ta mà còn góp phần làm đẹp cho cuộc sống này.
Sự đố kỵ sẽ hủy hoại tương lai của bạn
Cuộc sống hiện đại, con người phải chịu nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến nhân cách của chúng ta, trong đó có cả tính đố kỵ. Lòng đố kỵ là nguyên nhân dẫn đến những rắc rối và bất hạnh không ai mong muốn. Sống với sự đố kỵ, bạn sẽ chẳng thể nào cảm thấy hạnh phúc, mà chỉ khiến cuộc sống của bạn càng rơi vào bế tắc. Lòng đố kỵ giết chết nhân cách, nhân phẩm của bạn, đánh mất đi sự tôn trọng và niềm kiêu hãnh của bản thân.
Suy nghĩ hạn hẹp, tư duy ấu trĩ, đó là thói quen của những ai có tính đố kỵ và thường hay ganh tỵ. Những người có lòng đố kỵ với người khác luôn cảm thấy không hài lòng, ganh ghét với người khác, họ luôn tìm cách bóp méo sự thật. Khi bạn cảm thấy bản thân mình thua kém người khác vì bất cứ lý do gì, có thể là vì người khác may mắn hơn mình, thấy công việc của họ tốt hơn công việc của mình, thấy họ thăng tiến nhanh hơn mình…
Đó là do bạn đã đem lòng đố kỵ với người khác. Nếu bạn muốn thành công thì không nên có tính đố kỵ, không để ghen ghét dẫn dắt mọi hành vi, chỉ nên đem ý niệm so sánh với mục đích nhắc nhở bản thân phấn đấu tốt hơn. Chúng ta sẽ không thể từ bỏ được tính đố kỵ nếu không thể chiến thắng nổi bản thân.
Thời gian trôi đi không bao giờ quay trở lại, đừng mãi phí thời gian nhìn vào việc làm của người khác, bạn sẽ không nhận ra được tiềm năng của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang dần đánh mất bản thân trong sự đố kỵ, ganh ghét. Thay vì lãng phí thời gian cho những suy nghĩ không tích cực, bạn nên để thời gian đầu tư vào năng lực bản thân và không ngừng cố gắng vươn lên. Bạn cần có tấm lòng bao dung, rộng lượng, cảm thông khi người khác gặp khó khăn, hạnh phúc khi thấy người khác sống hạnh phúc.
Điều đó không chỉ tốt cho chính mình mà còn tốt cho người khác. Nếu bạn chịu thay đổi lối suy nghĩ, cách nhìn nhận, cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi. Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, đều có quyền lựa chọn của riêng mình, bạn cần tôn trọng quyền riêng tư của họ. Đừng bao giờ dùng tiêu chuẩn của bản thân để đánh giá người khác, mà hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác để xử lý tình huống đang gặp phải.
Muốn có được phẩm chất cao quý của một con người, chúng ta không nên đem lòng đố kỵ với người khác. Không đố kỵ đơn giản là bạn không so sánh mình với ai cả, mà chỉ sống với niềm vui hiện có. Hãy học cách cạnh tranh một cách công bằng, không so đo, tính toán, hãm hại lẫn nhau. Đừng để sự đố kỵ giết chết nhân cách của bạn, rồi bạn sẽ thấy cuộc sống này thật đẹp và đáng sống biết bao.
Hãy xây dựng cho mình một phong cách sống
Từ khi sinh ra và lớn lên, mỗi người đều có một khí chất, năng lực riêng biệt và rồi theo thời gian hình thành trong mỗi người một phong cách riêng. Phong cách chính là đặc điểm riêng của từng người, nó thể hiện sở thích, tính cách của mỗi người. Nó thể hiện hành vi đối xử giữa người với người thông qua việc thể hiện bản thân của người ấy.
Tính cách của một người được hình thành một cách tương đối ổn định và làm nên phong cách riêng của người đó. Phong cách mặc dù mang tính cách của mỗi cá nhân nhưng lại chịu ảnh hưởng và tác động của môi trường sống. Có thể cùng một hoàn cảnh, nhưng phong cách của mỗi người không hoàn toàn giống nhau do lối suy nghĩ, quan niệm sống khác nhau.
Phong cách sống chính là một lối sống có mục tiêu rõ ràng, biết khao khát, có niềm tin và quyết tâm để đạt được mục tiêu đó. Một khi xác định được mục tiêu, họ sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và kiên trì thực hiện từng bước cho đến khi đạt được kết quả mới thôi. Sự kiên nhẫn sẽ đem lại kết quả dù trong hoàn cảnh nào, ngay cả khi họ không hoàn thành được mục tiêu nhưng cũng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Cuộc đời của chúng ta cũng chỉ sống có một lần và trôi qua cũng rất nhanh, vì vậy chúng ta nên sống cởi mở, không ngại thay đổi vì những điều mới mẻ luôn đem đến cho ta những bài học quý giá.
Phong cách cá nhân làm nên vẻ đẹp, nét duyên của mỗi người, nếu thiếu đi điều này bạn sẽ trở nên thiếu tự tin trong cuộc sống. Phong cách sống của bạn không chỉ phụ thuộc vào trình độ tri thức, mà còn chịu ảnh hưởng từ đạo đức, lối sống của bạn. Phong cách của một người sẽ bao gồm nhiều phong cách trong các lĩnh vực khác nhau, kết hợp với nhau tạo nên cái tôi của mỗi người.
Có một phong cách riêng chính là bạn đang thỏa mãn cái tôi của chính mình, điều đó khiến bạn cảm thấy hài lòng vì theo một góc độ nào đó bạn cũng đã khẳng định được bản thân. Phong cách sống của mỗi người được xây dựng thông qua việc thể hiện trong cách bạn ứng xử với mọi người.
Bạn có thể thể hiện sự thẳng thắn hoặc cũng có thể có lời nói thật ý nhị, nhanh nhẹn hay cẩn trọng trong phong cách làm việc, dịu dàng, trang nhã hay năng động, trẻ trung trong cách ăn mặc. Bạn cũng có thể chọn cho mình một cuộc sống yên tĩnh hoặc một cuộc sống sôi nổi… Phong cách sống của một con người còn được thể hiện ở vô số những khía cạnh khác nhau, tất cả những điều đó được tổng hòa và làm nên phong cách sống của một con người.
Chúng ta phải xây dựng cho mình một phong cách sống đẹp, để lại những ấn tượng tốt cho tất cả mọi người. Hãy nỗ lực để tạo riêng cho mình một phong cách, một cá tính, đó là động lực giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống!
Hãy chọn cách sống cao thượng
Sống cao thượng là một trong những cách sống mà mọi người luôn hướng đến. Sống cao thượng không có nghĩa là bạn phải hy sinh vì người khác một cách mù quáng, thiếu suy nghĩ mà là bạn suy nghĩ, hành động và cảm nhận cuộc sống mang tính nhân văn cao hơn. Và khi đó, bạn đã xây dựng cho mình một chuẩn mực đạo đức, một lối sống hoàn toàn đúng đắn.
Không nhất thiết bạn phải sống hết mình vì những người xung quanh mà là biết sống, chấp nhận một chút thiệt thòi, sẵn sàng tha thứ và bỏ qua cho lỗi lầm của người khác. Cho người khác một cơ hội để sửa sai, chính là chúng ta cho họ một cơ hội vươn lên làm lại cuộc đời. Không chỉ vậy, tâm hồn của chúng ta cũng thấy thanh thản hơn, nếu cứ mãi giữ lấy sự thù hận, oán ghét trong lòng chỉ càng thêm mệt mỏi và đau khổ.
Vậy nên, sống phải biết tha thứ, bao dung, đó mới là lối sống của người cao thượng có tấm lòng vị tha. Muốn tha thứ cho một người, bạn chỉ cần trải lòng mình ra, đừng ép bản thân làm điều mình không muốn. Điều đó phải xuất phát từ tấm lòng, như vậy mới đúng là bạn đã tha thứ cho người khác. Khi đã chấp nhận và quyết định tha thứ, bạn đừng để cảm xúc lấn át lý trí để rồi vô tình tạo khoảng cách ngày càng xa. Khi tình cảm không còn, chúng ta hãy buông tay nhau và giải thoát cho nhau, đó cũng là một cách sống cao thượng.
Sống trong một môi trường sống cao thượng, những suy nghĩ, thói quen ích kỷ, đố kỵ dần dần được loại bỏ. Người cao thượng sống luôn có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Họ luôn trân trọng, yêu thương và bao dung đối với tất cả mọi người. Họ xem hạnh phúc của người khác cũng là hạnh phúc của mình, thành công của người khác chính là mục tiêu, động lực để họ phấn đấu vươn lên. Vì vậy, họ sống rất lạc quan, yêu đời, tâm trạng lúc nào cũng nhẹ nhàng, thoải mái.
Tình cảm cao thượng làm nên nhân cách cao đẹp của mỗi người. Nếu bạn sở hữu một nhân cách cao thượng, bạn sẽ cảm thấy tự tin, thoải mái trong tâm trí, trong từng cảm nhận. Sống không nghĩ cho riêng mình mà chỉ nghĩ cho người khác, vượt qua sự ích kỷ của bản thân thì lúc ấy bạn mới có thể rộng lượng với người khác được. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được những giá trị cuộc sống lớn lao hơn, đảm nhận trọng trách lớn hơn. Ngược lại, nếu bạn sống ích kỉ, vô cảm thì cho dù bạn có thành công đến đâu thì rồi cũng bị mọi người xa lánh, ghét bỏ.
Hãy sống cao thượng từ những suy nghĩ, hành động nhỏ nhất trong cuộc sống. Chúng ta hãy cùng nắm tay nhau hướng tới chân- thiện- mỹ trong quan hệ giao tiếp hàng ngày, chấp nhận sự khác biệt để cuộc sống của bạn và tôi ngày càng tốt đẹp hơn .
Hãy chấp nhận sự khác biệt
Cuộc sống vốn là thế giới đa dạng, phong phú, đầy màu sắc và mỗi người là một cá thể độc lập với những quan điểm sống khác nhau. Vậy khó có thể bắt người khác giống mình về sở thích, thói quen, tính cách… Điều quan trọng là mỗi người phải biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác.
Muốn có được suy nghĩ và hành xử đúng đắn, chúng ta cần biết chấp nhận sự khác biệt, hướng đến một cách sống bao dung, rộng lượng. Điều đó giúp bạn có được cuộc sống chan hòa với mọi người và có thêm nhiều cơ hội tốt trong cuộc sống. Chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, điều đó có nghĩa là bạn đang tiến dần đến sự chín chắn, trưởng thành.
Nếu bạn biết tôn trọng sự khác biệt của người khác, tôn trọng quyền tự do cá nhân của mỗi người, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của mọi người, cuộc sống rồi sẽ mỉm cười với bạn. Tôn trọng sự khác biệt không phải là bạn đã tự đánh mất mình, mà đó là văn hóa ứng xử cần phải có của mỗi người. Tôn trọng sự khác biệt, bạn sẽ hạn chế làm người khác tổn thương chỉ vì những định kiến và nông nổi của mình.
Mỗi người đều có cách sống riêng của mình. Chúng ta không nên vội vàng đánh giá người khác chỉ dựa vào những biểu hiện bề ngoài, vì đó chưa phải là tất cả để nói lên bản chất của một người. Sống tốt cuộc sống của mình, không kỳ thị, xoi mói, xâm phạm vào đời tư của người khác. Sống với thái độ kỳ thị, chỉ làm cho mối quan hệ của chúng ta ngày càng xấu đi. Ai cũng có một lẽ sống, một niềm tin, họ sống và suy nghĩ theo cách của mình.
Chúng ta cần phải nhìn nhận và tôn trọng điều đó, không nên áp đặt, bắt họ sửa đổi theo ý muốn của mình. Chính sự khác biệt của mỗi người tạo nên một bức tranh đa dạng của cuộc sống. Vì vậy, chúng ta phải biết dung hòa và chấp nhận sự khác biệt. Cuộc sống luôn chứa đựng những điều tốt đẹp.
Để cảm nhận được điều đó, chúng ta hãy dùng tấm lòng bao dung của mình, đồng thời gạt bỏ những suy nghĩ không tốt về người khác, quan tâm đến những điều tốt đẹp và sự tử tế của họ. Mỗi người có một giá trị riêng, khi ta chấp nhận và tôn trọng giá trị của người khác cũng chính là ta trân trọng chính mình. Vì vậy, ta không cần phải hạ thấp ai để khẳng định giá trị của bản thân.
Nếu chúng ta biết đón nhận sự khác biệt trong cuộc sống, mối quan hệ của chúng ta ngày càng được mở rộng và gần gũi nhau hơn. Mỗi người với một quan điểm sống, một trạng thái cảm xúc riêng sẽ điểm xuyết thêm nhiều sắc màu cho cuộc sống.
Sống chân thành, điều tốt đẹp rồi sẽ đến
Đừng vì những khó khăn và thử thách của cuộc sống, mà chúng ta đánh mất đi những điều vô cùng ý nghĩa. Hãy sống chân thành, không vụ lợi, điều tốt đẹp rồi sẽ đến. Trong mọi mối quan hệ, chỉ có chân thành mới đổi được chân thành. Sự chân thành bao giờ cũng là điều được mọi người yêu thích nhất.
Cuộc sống luôn cần có những người bạn, nếu đã coi nhau là bạn, chúng ta không chỉ dành cho nhau những lời khen ngợi, mà tốt nhất phải chỉ cho họ thấy được điểm sai để sửa đổi. Đừng vì sợ mất lòng bạn mà không dám đưa ra lời góp ý trung thực. Chỉ cần chúng ta sống chân thành, đối đãi thật lòng với bạn bè, thì thời gian sẽ đem đến sự thấu hiểu và cảm phục.
Muốn trở thành bạn tốt của nhau rất cần sự nỗ lực từ cả hai phía. Đã là bạn thân thì càng phải ở bên nhau vào thời điểm khó khăn nhất, chia sẻ cho nhau sự chân thành, cổ vũ, động viên và luôn luôn quan tâm đến nhau. Sống chân thành, bạn sẽ luôn có những người bạn chân thành ở bên cạnh. Người có lối sống chân thành luôn được mọi người yêu mến, bởi họ là người có nhân phẩm tốt, luôn luôn sống thật.
Lời nói của người chân thành bao giờ cũng có sức thuyết phục cao. Họ tạo cho người khác cảm giác tin cậy, chơi với họ bạn không phải đề phòng bị phản bội hay hoài nghi bất cứ điều gì. Họ dùng trái tim chân thành để đối đãi chan hoà và thân thiện với tất cả mọi người. Có như vậy mới giữ được sự thanh thản trong tâm hồn.
Sự chân thành bắt nguồn từ tình cảm thực sự của một tấm lòng chân thành thì mới đủ sức thuyết phục người khác. Bằng sự chân thành và lòng tin tưởng, bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều được bảo vệ và trân trọng. Chân thành phải được thể hiện một cách tế nhị, nếu không người nhận khó lòng chấp nhận.
Người sống chân thành thường khá tự tin vào bản thân, nên họ không tự đề cao chính mình, không cần phải sống giả tạo. Vì họ biết rằng sống giả dối không mang lại niềm vui và hạnh phúc, sống một cuộc sống thoải mái khi được là chính mình. Người chân thành luôn trân trọng thành quả mà người khác có được, vui thực lòng với niềm vui của người khác và lấy đó làm kinh nghiệm cho bản thân.
Sống không tự ti mà cũng chẳng tự kiêu, không tìm cách lấy lòng người khác bằng mọi cách. Họ biết rằng, sự chân thành mới là điểm mà mọi người cần hướng đến, xây dựng mối quan hệ đã khó, giữ gìn nó lại càng khó hơn. Nếu thiếu đi sự chân thành thì bạn cũng chỉ là một kẻ thất bại. Vì thế, nhất định phải trân trọng, gìn giữ những gì có được và sáng suốt từ bỏ những điều không thể có.
Hạnh phúc vốn giản đơn, chỉ cần chúng ta đối xử với nhau bằng sự chân thành, chúng ta sẽ có thêm niềm tin và sức mạnh. Vì vậy, hãy sống thành thật với người khác và với chính bản thân mình!