Bảo hộ tên thương mại và nhãn hiệu, những tình huống phát sinh

Thứ sáu - 02/04/2021 11:38
Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, việc sao chép nhãn hiệu hoặc làm hàng giả, hàng nhái diễn ra tràn lan. Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những doanh nghiệp tạo dựng và cung cấp các sản phẩm chất lượng ra thị trường.
Bảo hộ tên thương mại và nhãn hiệu, những tình huống phát sinh
Do đó, để được pháp luật bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu thì trước hết nhãn hiệu đó phải đảm bảo những điều kiện nhất định. Việc đăng ký nhãn hiệu trùng tên có vi phạm phát luật hay không thì bài viết sau đây xin chia sẻ với các bạn quy định pháp luật về nhãn hiệu trong Luật sở hữu trí tuệ.

Luật Sở hữu trí tuệ mới đã có hiệu lực thi hành từ 01/07/2006. Giới doanh nghiệp trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến các quy định bảo hộ của Việt Nam, đặc biệt là các quy định có liên quan đến các hoạt động thương mại.

Sự khác biệt, trùng lặp và phụ thuộc lẫn nhau

Trước hết, hãy xem qua định nghĩa về nhãn hiệu và tên thương mại trong Luật sở hữu trí tuệ. Theo đó, tên thương mại là “tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Còn nhãn hiệu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Ở đây, có thể thấy ngay sự khác biệt cũng như có sự trùng nhau giữa tên thương mại và tên nhãn hiệu.

Tuy nhiên, theo cách suy nghĩ khác mà cụ thể là trong một số trường hợp thì tên thương mại và nhãn hiệu có thể là một. Vậy thì lúc này, tên thương mại có còn được hiểu là tên doanh nghiệp như trong Giấy đăng ký kinh doanh không? Điều này chưa được làm rõ trong các nghị định hướng dẫn thi hành và đây sẽ là tranh chấp trong tương lai. Thực tế tên gọi của một doanh nghiệp thường được người tiêu dùng tiếp nhận một cách ngắn gọn, mà ít ai biết đến tên gọi đầy đủ của doanh nghiệp đó và đây chính là điểm sẽ gây tranh cãi vì liệu các cơ quan chức năng có cách hiểu giống như vậy không?.

Thực tế cho thấy có sự trùng nhau giữa tên thương mại và nhãn hiệu. Do vậy, các quy định của lập pháp cần phải tính đến một thực tế trong thương mại về cách hiểu và tiếp nhận của người tiêu dùng đối với tên gọi của tổ chức dùng trong kinh doanh.

Một sự khác biệt nữa là bản thân tên thương mại có thể tự động được bảo hộ (nếu đáp ứng các tiêu chí đã được quy định) mà không cần làm thủ tục đăng ký (khoản 3 điều 6 Nghị định 103/2006) còn nhãn hiệu thì bắt buộc phải trải qua thủ tục nộp đơn đăng ký (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng) và thẩm định. Phạm vi bảo hộ của tên thương mại, xét theo một khía cạnh là có thể hẹp hơn phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu (toàn lãnh thổ Việt Nam) nhưng trong một số trường hợp sẽ là tương đương như nhãn hiệu. Cụ thể, tên thương mại sẽ chỉ được bảo hộ trong một khu vực kinh doanh và định nghĩa về khu vực kinh doanh đã được xác định là “khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng”. Việc xác định khu vực kinh doanh hạn chế hay rộng lớn chính là vấn đề pháp lý phát sinh.

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tên thương mại và nhãn hiệu có thể thấy qua tiêu chí quy định về khả năng phân biệt của tên thương mại và nhãn hiệu. Tên thương mại và nhãn hiệu muốn được bảo hộ thì phải có khả năng phân biệt.

Căn cứ Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ quy định như sau: Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

   - Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.

   - Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Như vậy, để được bảo hộ đối với nhãn hiệu cần phải hội tụ đủ 2 yếu tố. Thứ nhất đó là nhãn hiệu có thể được nhìn thấy được thông qua các dấu hiệu chữ cái, từ, ngữ, hình vé, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc kết hợp các yếu tố chữ cái, từ ngữ và các dấu hiệu hình, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc. Yếu tố màu sắc cũng là yếu tố quan trọng, không thể thiếu đối với nhãn hiệu hàng hóa bởi ưu điểm gây ấn tượng đối với thị giác con người, qua đó nó giúp cho nhãn hiệu thực hiện được chức năng phân biệt của mình.

Tuy nhiên, Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định các dấu hiệu bị loại trừ khi xem xét để cấp văn bằng bảo hộ tại Điều 73 như sau:

   - Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.

   - Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.

   - Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.

   - Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận.

   - Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Thứ hai là về khả năng phân biệt. Vậy khả năng phân biệt của nhãn hiệu là gì? Pháp luật quy định rằng Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ. Bên cạnh đó tại Khoản 2 Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ quy định về một số trường hợp bị cho là không có khả năng phân biệt, bao gồm:

    a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;

    b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;

    c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;

    d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;

    đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;

    e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

    g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

    h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;

    i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;

    k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

    l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa;

    m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;

    n) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.

Theo điều 47- khoản 2(k) – Luật sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu “dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”. Ngược lại, theo điều 78 khoản 3 – Luật sở hữu trí tuệ thì tên thương mại chỉ được coi là có khả năng phân biệt nếu “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác”. Chính sự phụ thuộc lẫn nhau này cũng sẽ là vấn đề pháp lý phát sinh trong tương lai và là điều mà các doanh nghiệp cần lường trước trong hoạt động thương mại.
 
shtt


Một số tình huống pháp lý

Qua các vấn đề nêu trên và thực trạng đăng ký kinh doanh tại các Sở kế hoạch đầu tư, có thể thấy rõ một số vấn đề như sau:

Xác định thế nào là tên thương mại của doanh nghiệp – một việc tưởng dễ mà hóa khó. Việc các doanh nghiệp có tên gọi trùng nhau trong giấy đăng ký kinh doanh (cả về tên riêng, các bổ ngữ, và loại hình) trên cùng một thành phố thì không thể xảy ra nhưng là điều có thể xảy ra trên các địa bàn khác nhau do chúng ta không có một cơ quan chung chuyên cấp giấy đăng ký kinh doanh và vì vậy không thể có một cơ sở dữ liệu chung duy nhất.

Tuy nhiên, việc có các doanh nghiệp chỉ khác nhau về tên gọi loại hình và các bổ ngữ (ví dụ: kinh doanh thực phẩm, chế biến nông sản, v.v.) còn trùng nhau về tên riêng là điều đã xảy ra trên cùng một địa bàn. Giải quyết các tranh chấp này là rất khó vì thiếu quy định rõ ràng. Nếu như các doanh nghiệp có các lĩnh vực kinh doanh khác nhau thì dễ phân xử, nhưng trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay thì điều gì sẽ xảy ra nếu các doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề hoặc các tập đoàn lớn, đa ngành nghề có thể lấy cớ là uy tín của mình để có thể đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ khác (không may trùng tên) tại các địa bàn khác.

Ví dụ:  Công ty Hòa Bình đã đăng kí bảo hộ nhãn hiệu ” SAO MAI” với Cục SHTT từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây công ty Hòa Bình phát hiện trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng có sử dụng nhãn hiệu tương tự với sản phẩm Sao Mai của Hòa Bình (Công ty Sao Mai sử dụng tên thương mại Sao Mai dán nhãn hàng hóa, sản phẩm, quảng cáo, giao dịch với khách hàng khiến nhiều khách hàng của công ty Hòa Bình nhầm lẫn). Công ty Hòa Bình đã trao đổi thông tin với Công ty Sao Mai, nhưng công ty Sao Mai cho rằng công ty đã đăng ký kinh doanh với tên thương mại là Sao Mai, đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2007.

Từ đó đến nay, công ty Sao Mai luôn sử dụng tên thương mại của mình vào các hoạt động công ty cũng như quảng bá hình ảnh, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của công ty. Cho rằng công ty Sao Mai đang vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty nên công ty Hòa Bình gửi công văn ngay lập tức cho công ty Sao Mai, yêu cầu công ty Sao Mai không được sử dụng tên thương mại gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của công ty Hòa Bình. Công ty Sao Mai không phản hồi lại và vẫn sử dụng tên thương mại cho sản phẩm, hàng hóa của mình trên thị trường. Vậy yêu cầu của công ty Hòa Bình có phù hợp với quy định pháp luật không trong khi một bên đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, một bên là tên thương mại được cấp hợp pháp?

Trường hợp công ty Sao Mai không phản hồi yêu cầu của công ty Hòa Bình và vẫn sử dụng tên thương mại trên các sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Để đảm bảo quyền lợi của mình, công ty Hòa Bình nên làm gì?

- Căn cứ pháp lý: Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2009
- Tên thương mại trùng với nhãn hiệu có hợp pháp không? Vì thông tin bạn đưa ra chưa rõ ràng nên trong trường hợp này có hai trường hợp xảy ra:

+ Trường hợp thứ nhất: Công ty Hòa Bình được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trước thời điểm Công ty Sao Mai đăng ký và hoạt động hợp pháp trong cùng lĩnh vực với Công ty Hòa Bình. Trong trường hợp này Công ty Hòa Bình được bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại của Công ty Sao Mai sẽ không được coi là sử dụng hợp pháp để có thể được bảo hộ tại Việt Nam do công ty này sử dụng tên thương mại tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty Hòa Bình đã được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 78 của Luật sở hữu trí tuệ.

+ Trường hợp thứ hai: Công ty Hòa Bình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu từ năm 2005 nhưng đến khi được Cục sở hữu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì lại sau thời điểm Sao Mai hoạt động hợp pháp. Trong trường hợp này, căn cứ vào quy định của tại khoản 3 Điều 78 và điểm k khoản 2 Điều 74 của Luật sở hữu trí tuệ thì Sao Mai được bảo hộ tên thương mại theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, trong trường hợp này quyền sở hữu thuộc về Công ty Sao Mai.

- Bảo vệ quyền lợi cho công ty Hòa Bình

Trong trường hợp này đê bảo vệ quyền lợi của mình Công ty Hòa Bình cần phải xác định lại cơ sở quyền của mình.

  Trong trường hợp xác định rằng nhãn hiệu của mình được bảo hộ trước thời điểm tên thương mại được sử dụng thì Công ty Hòa Bình có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vụ việc hoặc khởi kiện ra tòa.

 Trường hợp nhãn hiệu của công ty Hòa Bình được bảo hộ sau thời điểm tên thương mai được sử dụng thì công ty Hòa Bình có thể tiến hành thương lượng với công ty Sao Mai.

Và những tình huống khác cần chú ý:

1. Quy định nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu “trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác” sẽ gây khó khăn cho việc bảo hộ nhãn hiệu vì như đã biết tên thương mại có phạm vi bảo hộ theo khu vực kinh doanh (hẹp hơn nhiều so với phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu). Vậy thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đâu để xác định khu vực kinh doanh của tên thương mại. Quy định này có thể được các bên sử dụng để làm phát sinh các tranh chấp trong tương lai. Chẳng hạn có thể dùng để yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu đang được bảo hộ. Việc này nếu xảy ra thì thực sự sẽ quá tải cho các cơ quan chức năng và nếu quá tải thì việc giải quyết tranh chấp sẽ bị đình trệ và từ đó dẫn đến thực thi pháp luật không hiệu quả.

2. Giả sử tên thương mại chỉ có danh tiếng trong một khu vực địa lý nhất định thì liệu một nhãn hiệu đang được bảo hộ có bị đình chỉ hiệu lực tương ứng với khu vực đó không. Chưa có quy định nào nói về vấn đề này.

3. Xác định đâu là tên thương mại để làm cơ sở cho việc hủy bỏ hiệu lực của một nhãn hiệu đang được bảo hộ còn là vấn đề hết sức mơ hồ. Như đã nói ở trên, thực trạng tên doanh nghiệp trong giấy đăng ký kinh doanh có thể chỉ khác nhau về loại hình, các bổ ngữ, còn vẫn trùng nhau về tên riêng.

4. Thực tế thẩm định các đơn nhãn hiệu tại cơ quan chức năng cũng chưa thể áp dụng quy định liên quan vì rõ ràng là thiếu quá nhiều điều kiện (không có cơ sở dữ liệu chung, không có cơ sở pháp lý để xác định tên thương mại, khu vực kinh doanh, danh tiếng .v.v.). Việc áp dụng (nếu có thể) sẽ kéo dài thời gian thời gian thẩm định lên rất nhiều (đi ngược với tiêu chí rút gọn thời gian xử lý). Tuy nhiên, sự phụ thuộc giữa nhãn hiệu và tên thương mại như đã nói ở trên vẫn sẽ được áp dụng (do đã quy định trong Luật) và đây là quy định mà các doanh nghiệp cần tính đến và tận dụng sao cho linh hoạt trong tranh chấp thương mại (kể cả với các doanh nghiệp nước ngoài).

Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy ngay là loại hình bảo hộ nào cũng sẽ có những bát cập đặc thù. Vấn đề là doanh nghiệp khi đã nắm vững và vận dụng linh hoạt những quy định của “cuộc chơi sở hữu công nghiệp” thì quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo vững chắc, ổn định.

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây