CÔNG TY TNHH LUẬT DÂN TRÍ - TƯ VẤN HÔN NHÂN - THỦ TỤC ĐẤT ĐAI - THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP - TRANH CHẤP DÂN SỰ - HÌNH SỰ - BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU - LAO ĐỘNG - THỪA KẾ - Luật sư pháp lý - Tư vấn pháp lý - Tư vấn và làm thủ tục đất đai - Thành lập doanh nghiệp - HìLuật sư pháp lý - Tư vấn pháp lý - Tư vấn và làm thủ tục đất đai - Thành lập doanh nghiệp - Hình sự - Hôn nhân
Thế nào là hành vi cạnh tranh không lành mạnh?
Thứ hai - 07/02/2022 09:51
Cạnh tranh có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, là cơ sở khẳng định vị trí của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh được xem là một động lực thúc đẩy cho sự phát triển của nền kinh tế.
Khái niệm cạnh tranh không lành mạnh.
Theo Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Như vậy có thể hiểu cạnh tranh không lành mạnh là tất cả những hành động trong hoạt động kinh tế trái với đạo đức nhằm làm hại các đối thủ kinh doanh hoặc khách hàng. Cạnh tranh không lành mạnh là phương thức cạnh tranh mà các doanh nghiệp thực hiện bởi những cách thức không lành mạnh với mục đích gây phản cạnh tranh. Cạnh tranh không lành mạnh có thể làm hạn chế cũng như triệt tiêu cạnh tranh đồng nghĩa với việc triệt tiêu động lực phát triển kinh tế và xâm hại lợi ích của cộng đồng cũng như xã hội.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được hiểu là những hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Tại khoản 1 điều 10 bis Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu có quy định rằng: “Bất kỳ hành vi cạnh tranh nào đi ngược lại các thông lệ trung thực, thiện chí trong công nghiệp hoặc trong thương mại đều là hành vi cạnh tranh không lành mạnh”.
Tại Việt Nam, định nghĩa về hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại khoản 6 điều 3 của Luật cạnh tranh Việt Nam 2018 như sau: “ Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Thiệt hại mà hành vi gây ra có thể là hiện thực đã xảy ra hoặc cũng có thể chỉ là tiềm năng khi có căn cứ để xác định hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra nếu không có biện pháp ngăn chặn hành vi.
Về đối tượng thực hiện: Chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh bao gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp. Nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề. Đôi khi, thực tế phát sinh những tình huống một số tổ chức phi kinh tế, các đơn vị truyền thông… thực hiện những hành vi xâm phạm đến quyền cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp, ví dụ tung tin không trung thực về doanh nghiệp, về hàng hóa. dịch vụ…
Đối tượng chịu thiệt hại của hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng ( khách hàng). Những nhóm doanh nghiệp chịu thiệt hại do các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường được hiểu là các đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp thực hiện hành vi. Đối với người tiêu dùng, khi các cơ quan chức năng đã xác định được có ảnh hưởng của hành vi không lành mạnh lên người tiêu dùng, cần có sự khoanh vùng, định vị rõ ràng. Bên cạnh đó còn có một đối tượng không mang tính tiêu biểu đó là Nhà nước. Đối với trường hợp này, chỉ có thể đặt vấn đề bảo vệ lợi ích của Nhà nước khi bị xâm hại tại những nền kinh tế Nhà nước tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp với các thành phần kinh tế khác trên thị trường.
Bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, “chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” là thuật ngữ mang tính trừu tượng và khó xác định. Bởi vậy đặc điểm này đòi hỏi cơ quan xử lý phải có những hiểu biết và có được sự đánh giá sâu sắc về thực tiễn thị trường để có thể phân định được rằng hành vi nào là hành vi đi ngược lại với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh trong một thời điểm nhất định, bên cạnh đó cũng đòi hỏi pháp luật cạnh tranh cần được chỉnh lý, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Phân loại cạnh tranh không lành mạnh.
Phụ thuộc vào từng tiêu chí và từng mục đích, ta có thể có nhiều cách để phân loại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Xét một cách khái quát, ta có thể chia các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thành ba nhóm đó là: Các hành vi mang tính chất lợi dụng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác; Các hành vi mang tính chất công kích hay cản trở; Các hành vi lừa dối, lôi kéo bất chính khách hàng.
Các hành vi mang tính chất lợi dụng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác
Đây là nhóm hành vi không cạnh tranh điển hình, thường được thực hiện dưới các cách thức như:Gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ, lợi dụng thành quả đầu tư của người khác, giá trị doanh nghiệp khác đạt được, xâm phạm bí mật kinh doanh để sử dụng trái phép lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác,..Phương pháp để xác định được hành vi gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa là đặt ra sự so sánh giữa các dấu hiệu để nhận biết hàng hóa của doanh nghiệp đang sử dụng bị coi là đã có hành vi sử dụng những thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Nhóm hành vi trên cũng là dạng hành vi gần với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sự khác biệt chỉ nằm ở đối tượng bị xâm phạm.
Ví dụ, đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng bị xâm phạm là tài sản trí tuệ cụ thể của doanh nghiệp đã được xác lập quyền thông qua việc đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Còn đối với trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, đối tượng bị xâm phạm có phạm vi rộng hơn, bao gồm tất cả giá trị, thành quả mà doanh nghiệp cạnh tranh đạt được một cách hợp pháp thông qua quá trình kinh doanh chẳng hạn như những yếu tố công khai như uy tín thương hiệu, chỉ dẫn thương mại hay không công khai như bí mật kinh doanh. Nhưng không phải mọi dạng thành quả đầu tư, lợi thế cạnh tranh đều được bảo vệ, có những đối tượng có được từ kết quả phát triển kinh tế xã hội, khoa học kĩ thuật chung của ngành, khi đó các doanh nghiệp có quyền tiếp cận và sử dụng tự do để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng được tính đến khi việc lợi dụng uy tín, thành quả đầu tư của người khác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ, uy tín hay khả năng kinh doanh của bên vi phạm.
Các hành vi mang tính chất công kích hay cản trở
Nhóm hành vi này có bản chất chung là tấn công vào đối thủ cạnh tranh, triệt tiêu hoặc làm suy giảm các lợi thế cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh thông qua các hoạt động như lôi kéo, mua chuộc nhân viên của đối thủ, đưa thông tin sai trái làm mất uy tín đối thủ cạnh tranh, và nhiều các thủ đoạn khác. Các hành vi này được thực hiện dưới rất nhiều cách thức đa dạng. Những hành vi này không điển hình và đôi khi khó phát hiện hơn nhóm hành vi trên nhưng các bên liên quan có thể sử dụng các quy định trực tiếp về gây thiệt hại và bồi thường thiệt hại của pháp luật dân sự hoặc cả hình sự để giải quyết tranh chấp một cách triệt để, thay vì áp dụng riêng quy định của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.
Theo quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam, các hành vi được coi là các hành vi mang tính chất công kích hay cản trở doanh nghiệp khác gồm: hành vi ép buộc trong kinh doanh, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.
Các hành vi lừa dối, lôi kéo bất chính khách hàng
Bản chất của hành vi này là tạo ra lợi thế cạnh tranh gian dối để lôi kéo khách hàng đặc biệt là người tiêu dùng. Trên thị trường hiện nay có các hành vi kinh doanh bất chính đã và đang phổ biến như quảng cáo lừa dối, khuyến mại nhử mồi, chào hàng quấy rối hay ép buộc.Dưới góc độ cạnh tranh, lôi kéo khách hàng là cách thức doanh nghiệp thực hiện nhằm vào khách hàng, người tiêu dùng bằng cách đưa ra lý do để khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình, tin tưởng những thông tin về hàng hóa, dịch vụ của mình, từ đó tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến thái độ và quyết định mua của khách hàng, người tiêu dùng. Tuy nhiên, để lôi kéo khách hàng, các chủ thể kinh doanh sẵn sàng thực hiện các hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh dẫn đến gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích doanh nghiệp khác.
Những dạng hành vi này khiến cho thị trường trở nên không minh bạch, tạo nên sự sai lệch về giao dịch giữa các chủ thể tham gia thị trường dẫn đến kết quả là môi trường kinh doanh chung sẽ bị ảnh hưởng.
Thực tiễn pháp luật Việt Nam về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Hiện nay, có rất nhiều các văn bản luật điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Việt Nam nhưng Luật cạnh tranh vẫn là văn bản được sử dụng nhiều nhất để điều chỉnh trực tiếp những hành vi này. Căn cứ theo điều 45 của Luật cạnh tranh 2018 quy định các hành vi sau được coi là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị pháp luật cấm:
Chỉ dẫn gây nhầm lẫn
Hiện nay Luật cạnh tranh chưa có định nghĩa cụ thể về chỉ dẫn gây nhầm lẫn tuy nhiên dựa vào các đặc điểm của hành vi này ta có thể nhận thấy chỉ dẫn gây nhầm lẫn bao gồm hai dạng vi phạm cụ thể sau đây:
- Hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý… làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh.
- Hành vi kinh doanh các sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn.
Đối tượng của hành vi
Đối tượng của hành vi là các chỉ dẫn thương mại của sản phẩm. Luật cạnh tranh không có định nghĩa cụ thể về chỉ dẫn thương mại mà chỉ liệt kê một số đối tượng được coi là chỉ dẫn thương mại bao gồm: tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và những dấu hiệu khác theo quy định của Chính phủ.
Chỉ dẫn thương mại là một dấu hiệu cũng như cơ sở quan trọng để khách hàng có thể nhận biết sản phẩm của một doanh nghiệp cụ thể và là những dấu hiệu để phân biệt chúng trong những sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Về hình thức thể hiện
Hai hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn được liệt kê ở trên có cấu thành pháp lý khác nhau. Đối với hành vi sử dụng các chỉ dẫn chứa đựng những thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý...làm sai lệch các nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ với mục đích cạnh tranh doanh nghiệp được giả định vi phạm đã sử dụng các chỉ dẫn thương mại có nội dung trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn của doanh nghiệp khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Còn hành vi kinh doanh sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn thì chỉ áo dụng đối với những doanh nghiệp tham gia vào việc phân phối các sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm.
Hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác luôn mang bản chất bóc lột
Khi sử dụng các thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn doanh nghiệp vi phạm đã có ý dựa dẫm vào danh tiếng của sản phẩm khác hoặc của doanh nghiệp khác để tiêu thụ sản phẩm của mình. đã hưởng thành quả đầu tư của người khác một cách bất chính. Dưới góc độ pháp lý, hành vi vi phạm đã xâm hại quyền được bảo hộ các thành quả đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp. Trong cơ chế thị trường, sự cạnh tranh luôn là động lực thúc đẩy các nhà kinh doanh phải tìm mọi cách khẳng định vị trí của mình và của sản phẩm trong thói quen tiêu dùng của thị trường. Dưới góc độ quyền lợi của người tiêu dùng, hành vi vi phạm với những thông tin gây nhầm lẫn, đã tác động trực tiếp đến ý thức của khách hàng, làm cho họ không thể lựa chọn đúng sản phẩm mong muốn đã xâm phạm đến quyền tự do lựa chọn của người tiêu dung. Hành vi này thực sự nguy hại cho xã hội khi sản phẩm bị giả mạo các chỉ dẫn thương mại lại là sản phẩm kém chất lượng.
Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh
Các hành vi vi phạm bí mật kinh doanh có thể xác định thành 3 nhóm hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, cụ thể như sau:
- Hành vi tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh là việc doanh nghiệp tìm cách có được các thông tin thuộc bí mật kinh doanh của doanh nghiệp khác một cách bất chính. Để cấu thành những hành vi này cần xác định hai điều kiện cơ bản như sau:
Doanh nghiệp vi phạm đang nỗ lực tiếp xúc hoặc góp nhặt những thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác.
Việc tiếp cận, thu thập thông tin là bất chính, không lành mạnh. Tính chất bất chính của hành vi được thể hiện thông qua phương cách mà doanh nghiệp sử dụng để tiếp cận, thu thập bí mật kinh doanh.
- Hành vi tiết lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh
Biểu hiện của hành vi doanh nghiệp đã để cho người khác biết các thông tin thuộc bí mật kinh doanh của doanh nghiệp khác trong các tình huống sau:
Không được phép của chủ sở hữu;
Vi phạm hợp đồng bảo mật với chủ sở hữu của bí mật kinh doanh hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật.
Theo Luật cạnh tranh cho dù với động cơ và mục đích gì, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh chỉ cần có đủ hai tình huống trên sẽ bị coi là cạnh tranh không lành mạnh.
- Sử dụng bí mật kinh doanh của doanh nghiệp khác
Việc doanh nghiệp sử dụng bí mật kinh doanh của người khác cho hoạt động kinh doannh của mình bị coi là cạnh tranh không lành mạnh nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:
Không được phép của chủ sở hữu bí mật đó;
Nhằm mục đích kinh doanh, xin giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm. Trong trường hợp này, pháp luật không quan tâm đến nguồn gốc, tính hợp pháp của bí mật kinh doanh mà chỉ cần xác định tính không được phép của chủ sở hữu đối với việc sử dụng là đủ để kết luận về sự vi phạm.
Ép buộc trong kinh doanh
Khoản 2 Điều 45 Luật cạnh tranh năm 2018 định nghĩa về ép buộc trong kinh doanh cụ thể như sau: “Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó”. Theo khái niệm trên hành vi ép buộc trong kinh doanh có cấu thành pháp lý bao gồm các yếu tố sau:
- Đối tượng của hành vi là khách hàng hoặc đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác. Từ dấu hiệu này, có thể thấy, bằng hành vi của mình doanh nghiệp vi phạm đã không trực diện giao tiếp với doanh nghiệp khác (đối thủ), mà tác động đến khách hàng hoặc đối tác của họ. Khách hàng, đối tác kinh doanh có thể là các tổ chức, cá nhân đang giao dịch hoặc sẽ giao dịch (khách hàng tiềm năng) của doanh nghiệp khác; có thể là người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân có giao dịch với doanh nghiệp bị xâm phạm.
- Hình thức của hành vi là doanh nghiệp vi phạm dùng thủ đoạn đe dọa hoặc cưỡng ép những đối tượng trên để buộc họ không được giao dịch, ngừng giao dịch với doanh nghiệp khác. Dấu hiệu này được làm rõ từ những nội dung sau đây:
Việc đe dọa hoặc cưỡng ép được thực hiện nhằm khống chế ý chí của khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp vi phạm có thể trực tiếp hoặc gián tiếp với vai trò tổ chức hoặc thuê mướn người khác thực hiện các thủ đoạn đe dọa, cưỡng ép các đối tượng trên. Phương thức đe dọa, cưỡng ép rất đa dạng và không giống nhau trong các vụ việc cụ thể.
Yêu cầu được doanh nghiệp vi phạm đưa ra cho người bị đe dọa, bị cưỡng ép là không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp khác. Yêu cầu này có thể được đặt ra công khai hoặc ẩn chứa trong thủ đoạn đe dọa, cưỡng ép để các đối tượng bị tác động phải hiểu ngầm.
- Sự không lành mạnh của hành vi được chứng minh bằng các hậu quả gây ra cho khách hàng (người tiêu dùng, đối tác của doanh nghiệp khác) và doanh nghiệp bị xâm hại:
Với khách hàng, quyền lựa chọn của họ bị xâm phạm do bị ngăn trở, bị cưỡng ép mà không thể thiếp lập được giao dịch, không tiếp tục thực hiện được giao dịch theo ý chí của mình. Quyền lựa chọn bị khống chế sẽ dẫn đến khả năng khách hàng phải giao dịch với doanh nghiệp vi phạm hoặc người được chỉ định. Dấu hiệu ép buộc khách hàng phải giao dịch với mình hoặc với người mà mình chỉ định khi điều tra về hành vi ép buộc không được đặt ra.
Hành vi này mang bản chất côn đồ trong kinh doanh, có thể gây ra những xáo trộn trong xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an ninh của cộng đồng, là những dấu hiệu không lành mạnh trong đời sống kinh doanh đòi hỏi pháp luật và công quyền phải thẳng tay trừng trị.
Với các doanh nghiệp khác, việc không thiết lập được, không thực hiện được những giao dịch của họ với khách hàng có thể làm cho tình hình kinh doanh bị ngăn trở, rối loạn. Mặc dù đối tượng của hành vi ép buộc trong kinh doanh là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của doanh nghiệp vi phạm, song thủ đoạn cản trở khách hàng thiết lập, thực hiện giao dịch cũng đã làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bị cản trở hoặc bị hạn chế.
Gièm pha doanh nghiệp khác
Gièm pha doanh nghiệp khác là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Cấu thành pháp lý của hành vi này bao gồm các yếu tố sau:
- Hình thức của hành vi là việc trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác. Việc đưa thông tin có thể được thực hiện một cách trực tiếp từ doanh nghiệp vi phạm, hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí. Những doanh nghiệp vi phạm có thể thực hiện hành vi công khai hoặc không công khai.
- Hậu quả của hành vi là gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị thông tin nói đến. Uy tín của doanh nghiệp phản ảnh niềm tin và sự yêu thích của khách hàng đối với doanh nghiệp hoặc sản phẩm. Sự giảm sút uy tín của doanh nghiệp bị xâm hại thể hiện ở sự giảm sút một cách bất thường các giao dịch, doanh số bán ra, doanh thu của doanh nghiệp, số lượng khách hàng so với trước đó. Những ảnh hưởng xấu của hành vi gièm pha đối với tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh thể hiện ở các số liệu kế toán thống kê, những biến động bất thường của tình hình tài chính, những sự kiện làm rối loạn hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của người khác
Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác là hành vi của doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp làm cản trở hoặc gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Căn cứ pháp lý đối với hành vi này được quy định bao gồm:
- Tình hình kinh doanh của họ bị gián đoạn hoặc bị cản trở
- Hậu quả này dã xảy ra trên thực tế
Hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Đây là một biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh để thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị trường, quảng cái hàng hóa, dịch vụ “việc chủ thể kinh doanh giới thiệu đến người tiêu dùng về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ” giúp các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng một cách nhanh chóng. Đối với người tiêu dùng, hoạt động quảng cáo cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản về tình hình thị trường, về hàng hoá, dịch vụ nhằm nâng cao khả năng lựa chọn của họ đối với các sản phẩm trên thị trường. Với ý nghĩa đó, hoạt động quảng cáo thực sự có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.
So sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại cảu doanh nghiệp khác
Quảng cáo so sánh là việc khi thực hiện quảng cáo, doanh nghiệp đã đưa ra những thông tin có nội dung so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác. Lý luận cạnh tranh phân chia hành vi quảng cáo so sánh thành nhiều mức độ khác nhau như sau:
- Quảng cáo so sánh bằng là hình thức so sánh cho rằng sản phẩm của mình có chất lượng, có cung cách phục vụ hoặc tính năng giống như sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác;
- Quảng cáo so sánh hơn là hình thức quảng cáo cho rằng sản phẩm của người quảng cáo có chất lượng tốt hơn, cung cách phục vụ, hình thức,… tốt hơn sản phẩm của doanh nghiệp khác;
- Quảng cáo so sánh nhất là hình thức quảng cáo khẳng định vị trí số một của sản phẩm của mình trên thị trường bằng cách cho rằng chất lượng, mẫu mã, phương thức cung ứng… của mình là tốt nhất hoặc khẳng định rằng không có bất cứ sản phẩm cùng loại nào trên thị trường có được những tiêu chuẩn nói trên như sản phẩm của mình. Tùy từng mức độ so sánh và tính chất trung thực của thông tin mà khả năng xâm hại cho đối thủ và cho khách hàng sẽ là khác nhau.
Bắt chước sản phẩm quảng cáo để gây nhầm lẫn cho khách hàng
Sản phẩm quảng cáo là những thông tin bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng… chứa đựng nội dung quảng cáo, được trình bày thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, pano, áp phích… để đưa các thông tin mà nó chứa đựng đến với khách hàng. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, cơ quan thực thi pháp luật sẽ xác định căn cứ vào tình hình cụ thể của sự việc và của thị trường. Về vấn đề này, Pháp lệnh quảng cáo cấm doanh nghiệp thực hiện việc quảng cáo gây nhầm lẫn với cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của người khác.
Quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng
Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp thực hiện hành vi “đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng trong hoạt động quảng cáo về một trong các nội dung sau: giá, số lượng, chất lượng công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; và các nội dung gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.
Về các biện pháp xử lý đối với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, căn cứ theo Điều 110 Luật Cạnh tranh năm 2018:
“Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.”
Riêng đối với hình thức phạt tiền, Khoản 3 Điều 111 Luật Cạnh tranh 2018 quy định rõ rằng: “ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng”
Bên cạnh đó, tùy vào mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung như:
Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh;
Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:
Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền;
Loại bỏ điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;
Chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;
Chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;
Cải chính công khai;
Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó còn có các văn bản pháp luật cũng có quy định về các biện pháp xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong đó nổi bật là Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Đối với mỗi hành vi cạnh tranh không lành mạnh, căn cứ vào tính chất, mục đích, mức độ thiệt hại,.. ta có các hình thức xử phạt riêng.
Hiện nay, có nhiều người dù đã có gia đình riêng, nhưng vẫn "cặp bồ", nhiều người bị đánh ghen, bôi xấu trên mạng xã hội, song tình trạng này vẫn diễn...
Theo Bộ Công an, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng hoặc có thể bị xử lý hình sự với...