Tại sao Chính phủ Mỹ lại phải nâng mức bảo hiểm tiền gửi từ 100.000 lên 250.000 USD? Tăng cường bảo hiểm tiền gửi của Chính phủ Mỹ chính là để đảm bảo cho người ta tin vào chính phủ. Nói gì thì nói, người dân phải tin vào chính phủ, người dân có thể thích hoặc không thích chính phủ nhưng cần phải tin. Người dân có thể không tin vào nhiều chuyện, nhưng những việc căn bản liên quan đến tài sản của người ta thì phải tin.
Quyền sở hữu là một trong những quyền căn bản của loài người. Một chính phủ không thể tùy tiện tác động vào sở hữu của con người được. Với tình trạng như hiện nay của chúng ta, rất khó để nói ngành gì sẽ sụp đổ, ngành gì sẽ không sụp đổ.
Khủng hoảng ở Việt Nam sẽ không làm đời sống kinh tế trầm trọng thêm nhiều, bởi vì trầm trọng hay không trầm trọng là do chất lượng con người, do thói quen hay mức sống của con người. Chúng ta có mức sống quá thấp, chúng ta mới vươn lên khỏi mặt đất được 20-30 cm mà rơi xuống thì cũng không lấy gì làm đau đớn.
Chúng ta sẽ lại phải cố gắng để vươn lên. Khủng hoảng không đến mức quá ghê gớm, nhưng cái đau của chúng ta là không ai phân tích và chịu trách nhiệm về khủng hoảng, và cái khó của chúng ta là chúng ta vẫn tiếp tục kiên trì theo đuổi những thứ chúng ta không biết. Chúng ta ngưỡng mộ quá khứ đến mức không thèm đếm xỉa gì đến thực tế phát triển. Đấy là một sự thật.
Chúng ta chưa có động lực để thay đổi. Nhân dân phải ý thức được những điều kiện sống còn của mình để đòi hỏi và nhà nước phải ý thức được sự chính đáng của những đòi hỏi ấy thì mới có thể có sự thay đổi.
Việt Nam là một quốc gia chuyên về cung cấp nguyên liệu cơ bản, gia công thô hàng hoá, và chế biến sản phẩm có giá trị thấp cho thị trường thế giới. Xem xét các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian gần đây và nhìn vào cấu trúc sản xuất của nền kinh tế ta có thể nói một cách tương đối rằng khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái thì mức độ ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ theo thứ tự sau:
Nhóm 1- Nguyên liệu thô: dầu thô, than, cao su.
Nhóm 2A- Hàng có giá trị cao: Đá quý, kim loại quý và sản phẩm; Điện tử, máy tính.
Nhóm 2B - Hàng có giá trị trung bình: Sản phẩm gỗ; Sản phẩm gốm sứ; Sản phẩm mây tre, cói, thảm.
Nhóm 2C - Hàng có giá trị thấp: Dệt, may; Giày dép; Túi xách, ví, va li, mũ, ô dù; Xe đạp và phụ tùng xe đạp; Đồ chơi trẻ em; Mỳ ăn liền
Nhóm 3 - Nguyên liệu thực phẩm thô: Gạo; Cà phê; Rau quả; Hạt tiêu; Hạt điều; Chè; Thủy sản.
Nhóm 4 - Sản phẩm chế tạo: Dây điện và cáp điện; Sản phẩm nhựa; Dầu mỡ động, thực vật.
Khi kinh tế thế giới thực sự rơi vào suy thoái thì các ngành thuộc nhóm 1, nhóm 2A, nhóm 4 sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhóm 4 bị tác động muộn hơn so với các nhóm khác, nhưng cũng khó tránh khỏi.
Vì dầu thô và than là các loại mặt hàng Việt Nam sẽ giảm dần xuất khẩu trong thời gian tới nên mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn. Cao su có lẽ là ngành bị ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, vì Việt Nam xuất khẩu cao su chủ yếu sang Trung Quốc, nên nếu như Trung Quốc xây dựng chính sách kích cầu nội địa thì có lẽ lĩnh vực này cũng không bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là khi sản lượng cao su của Thái Lan bị giảm sút mạnh.
Nhóm 2C và nhóm 3 có thể bị suy giảm đôi chút về giá nhưng sản lượng tiêu thụ sẽ không bị giảm.
- Khủng hoảng luôn mang lại những rủi ro, thất bại và đổ vỡ nhưng mặt khác, cũng mang lại cả cơ hội và sự thay đổi theo một hướng tích cực hơn. Vậy với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam có cơ hội gì không?
Những kẻ buôn lậu, những kẻ đầu cơ, những tên tư bản tài chính thông minh nhất của nền kinh tế tài chính Việt Nam là lực lượng sẽ nhận được rất nhiều thứ.
Họ biết khai thác tối đa quan hệ với các thể chế chính trị - vốn dĩ là đặc trưng của nền kinh tế ở các nước đang phát triển. Họ nhận được lợi ích mang lại từ sự ngờ nghệch của xã hội do thiếu hiểu biết về các nguyên lý kinh tế, nhận được lợi ích mang lại do đặc thù của cư dân Việt Nam là hám lợi. Và họ nhận được cả lợi ích từ sự thiếu thông tin một cách tương đối cố ý của hệ thống truyền thông Việt Nam.
Trong tình trạng khủng hoảng này, chỉ một số người có lợi, nhưng không phải là người hiểu biết. Trong trường hợp của chúng ta là thế lực chứ không phải là hiểu biết. Bây giờ ai mà có thông tin để biết được loại hàng hóa nào, loại tiền tệ nào, loại thị trường nào sẽ được thu xếp tốt?
Vì vậy tôi mới nói rằng, hiện tượng hiện nay là hiện tượng của tham nhũng và quy mô của sự tham nhũng ấy diễn ra trên toàn cầu. Trong cơn bão tài chính hiện nay, những kẻ kiếm được nhiều tiền phần lớn thuộc về những lực lượng tiêu cực của đời sống kinh tế thế giới.
Các nền kinh tế ngoại biên của nền kinh tế thế giới như chúng ta chẳng hạn, cũng nhận được rất nhiều thứ, nhưng người nhận được không phải là xã hội, không phải là các chính phủ mà là những lực lượng sẽ dùng những cái đấy để thao túng nền kinh tế trong nước. Đấy là tôi phác họa những nét chung nhất về ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến Việt Nam.
Trên phương diện kinh doanh thì tôi thấy Việt Nam cần phải hình thành văn hóa kinh doanh vừa và nhỏ. Có những nền kinh tế không có công ty lớn, ví dụ như nền kinh tế Ý. Hầu hết ở các nước châu Âu thì các công ty vừa và nhỏ là chủ yếu. Ở các nước Bắc Âu có rất nhiều các công ty phần mềm nhỏ chỉ gồm có vài người. Và những công ty con con như thế chính là những người đóng thuế để viện trợ ODA cho những nước như chúng ta.
Nếu tính tỷ lệ lợi nhuận thì các công ty lớn không hiệu quả bằng các công ty vừa và nhỏ. Công ty vừa và nhỏ là loại hình tiết kiệm năng lượng cho xã hội rất lớn, bởi vì nó chỉ đòi hỏi sự đầu tư vừa phải.
Trước tiên phải khẳng định rằng Việt Nam cũng như các nước khác đều chịu những tác động xấu của đợt khủng hoảng này. Tuy nhiên, những tác động xấu đó không lớn như mới thoạt hình dung.
Chẳng hạn, mức độ rút vốn của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ không nhiều như ở các quốc gia khác, vì trước khi khủng khoảng tài chính xảy ra thị trường chứng khoán của Việt Nam đã xuống quá nhiều trong năm nay, và khó có thể xuống thấp hơn nữa để rút vốn. Nếu Việt Nam đảm bảo cơ hội sinh lời trong tương lai cao hơn so với nước khác thì họ càng không có cơ sở để rút vốn.
Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, một số nhà đầu tư trực tiếp có thể không thu xếp đủ vốn để theo đuổi các dự án đã cam kết ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này chỉ đáng sợ khi những nhà đầu tư đó không thấy cơ hội sinh lợi đáng kể trong tương lai.
Nếu Chính phủ Việt Nam đưa ra được các chính sách kinh tế rõ ràng, nhất quán, đưa nền kinh tế tiến tới một nền kinh tế thị trường thực sự, đảm bảo sự phát triển bền vững thì sự giảm sút luồng vốn đầu tư sẽ không nhiều. Trong trường hợp Việt Nam đảm bảo được như thế thì ngay cả khi có một số nhà đầu tư cam kết đầu tư trước đây nhưng không thể tiếp tục thì sẽ vẫn có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác sẵn sàng nhảy vào thay thế.
Đối với khu vực xuất khẩu, như đã nói ở trên, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng lo ngại vì hàng xuất khẩu của Việt Nam đa phần vẫn là các loại hàng hóa cơ bản như nguyên liệu thô (dầu thô, than đá), nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu), may mặc và giày dép, và thủy sản.
Độ co giãn của cầu đối với những hàng hóa này không lớn. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng này chỉ bị giảm chút đỉnh khi ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình nước ngoài bị giảm. Bằng chứng là xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm tới nay vẫn tiếp tục tăng mặc dù thị trường thế giới đã giảm đáng kể so với những năm trước đó.
Trong khi đó, đối với khu vực nhập khẩu, Việt Nam lại được hưởng lợi từ việc giảm giá các loại nguyên liệu cơ bản như xăng dầu, sắt thép, thuốc trừ sâu; Nguyên liệu chế biến như chất dẻo, hóa chất, giấy, nguyên phụ liệu dệt, may, da, vải, sợi dệt, thức ăn gia súc, dầu mỡ động thực vật, sữa và sản phẩm sữa, v.v.; và sản phẩm chế tạo: Máy móc, thiết bị; dụng cụ và phụ tùng. Tất nhiên là các công ty trong nước sẽ phải cạnh tranh với các loại hàng hoá giá rẻ được nhập khẩu vào. Nhưng một lần nữa, đây lại là vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Trên cơ sở phân tích trên, ta thấy rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi khá nhiều từ đợt suy thoái kinh tế thế giới. Nhờ có hàng nhập khẩu giảm giá mà lạm phát của Việt Nam giờ đây không phải là vấn đề lớn nhất nữa. Hơn nữa, nhờ có khủng hoảng mà một loạt các vấn đề yếu kém nội tại của nền kinh tế được bộc lộ ra. Vấn đề bây giờ là chúng ta có nhận thức được các vấn đề nội tại đó của nền kinh tế hay không và dám thay đổi chúng hay không.
Vì vậy, so với các nền kinh tế khác thì cuối năm nay và cả năm 2009, Việt Nam hoàn toàn có thể có được kết quả kinh tế khả quan, tăng trưởng kinh tế vẫn có thể đạt khoảng 6%. Nhưng nếu như chúng ta không giải quyết được vấn đề nội tại của nền kinh tế, dẫn đến méo mó cấu trúc sản xuất, thì Việt Nam khó có thể đạt được tăng trưởng cao sau khi khủng hoảng kinh tế thế giới qua đi.
Để có thể hạn chế rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh để chớp được cơ hội trong tương lai, theo tôi, trong thời gian trước mắt, các doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào tái cơ cấu (sáp nhập, mua lại, cải tổ cấu trúc quản lý, cải tiến công nghệ…), hướng vào những sản phẩm mình thực sự có lợi thế cạnh tranh, thay vì đầu tư mới.
Bởi lẽ, trong giai đoạn suy thoái, doanh nghiệp rất khó biết được chính xác nhu cầu sắp tới của thị trường như thế nào và khả năng cung ứng của thị trường ra sao, nên nếu đầu tư mới, doanh nghiệp rất dễ phạm sai lầm. Các ngân hàng cũng vậy, nên tránh giải ngân vào những dự án của các doanh nghiệp mà không xác định được đầu ra rõ ràng. Hãy tỉnh táo, thận trọng, trung lập.
Và bản thân Nhà nước cũng cần hướng tới một sự “tái cơ cấu”: thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước, cắt giảm đầu tư công, xây dựng thị trường cho các lĩnh vực đặc biệt như năng lượng, bảo hiểm, công nghệ v.v.; xây dựng chế độ sở hữu đơn giản và minh bạch; hạn chế can thiệp quá nặng vào thị trường như bảo hộ ngành này, bảo hộ ngành kia; tránh các chính sách gây xáo động như tăng mức lương tối thiểu hoặc các chính sách vẫn không rõ ràng như thuế chứng khoán.
Đối với chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái, nên chủ động thực hiện chính sách “thụ động” (passive policies), tức là đợi thị trường xác lập xu hướng, còn chính phủ chỉ ra chính sách để khẳng định xu hướng. Nói chung, tất cả các chính sách cần nhằm tiến tới làm cấu trúc sản xuất của nền kinh tế Việt Nam không còn bị méo mó.