Hôn nhân là một cuộc kinh doanh, kỹ năng quản lý của ai càng giỏi thì người đó càng thu hoạch nhiều lợi nhuận

Thứ bảy - 04/01/2020 16:46
Hôn nhân hạnh phúc không chỉ dựa vào thiên thời địa lợi nhân hòa, mà quan trọng hơn cả, là được cả hai bên nghiêm túc kinh doanh.
Hôn nhân là một cuộc kinh doanh, kỹ năng quản lý của ai càng giỏi thì người đó càng thu hoạch nhiều lợi nhuận

Rất nhiều người trẻ hiện nay cảm thấy không hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến hôn nhân. Nhìn vào thực trạng xuất hiện hàng ngày xung quanh mình, cũng như vô số thông tin tiêu cực trên các mặt báo, trang tin truyền thông về tình hình chung của cả xã hội, không khó hiểu tại sao nhiều người trẻ bây giờ lo sợ kết hôn đến thế.

Họ thường tự nhủ rằng: Càng nhìn mọi người xung quanh kết hôn, người ta lại càng nhận ra rằng, đời sống hôn nhân hạnh phúc chỉ tồn tại trong phim truyền hình mà thôi.

Cho nên, theo lời khuyên của những người đã có kinh nghiệm, nếu bạn còn ôm mộng tưởng màu hồng với hôn nhân tràn đầy tình yêu thì tốt nhất là đừng bắt đầu. Khi còn chưa nhìn thấu được bản chất hiện tượng này, không nên vội vã đi đến quyết định kết hôn.

Bản chất của hôn nhân là hợp tác và cùng có lợi

Nhà kinh tế người Trung Quốc Tiết Triệu Phong từng nói: “Hôn nhân giống như việc hai công ty cùng đem tất cả tài nguyên, năng lực của bản thân ra để sáp nhập vào thành một tập đoàn với hợp đồng hợp tác kéo dài trọn đời.” Có thể tài nguyên của mỗi bên không giống nhau, vai trò hay công hiệu cũng khác nhau, nhưng họ đều phải cùng đóng góp cho nhau để đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi.

Nếu chỉ có một người phát triển, gây nên sự mất cân đối giữa hai bên, việc hợp tác sẽ khó lòng giữ được. Đó chính là trường hợp của một người phụ nữ 30 tuổi đã kết hôn ngay khi vừa tốt nghiệp, ban đầu, cô cảm thấy rất hạnh phúc vì luôn có chồng che chở, không phải lo lắng về công việc, đồng nghiệp, lãnh đạo hay chi phí hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ sau 6 năm kết hôn, mọi chuyện đã khác hoàn toàn.

Khi sự nghiệp của chồng ngày một thành công, cuộc đời của người vợ vẫn chỉ dừng ở trường đại học. Suốt thời gian sau đó, cô chỉ xoay xung quanh gia đình của mình, sáng đi chợ, chiều nấu cơm, cả ngày không dọn dẹp thì xem phim truyền hình. Dần dần, giữa hai vợ chồng không còn chủ đề chung để nói chuyện. Người chồng cũng bắt đầu coi thường vợ và không còn cảm thấy thoải mái mỗi khi về nhà. Hôn nhân của họ cũng rơi vào cảnh bấp bênh bên bờ đổ vỡ.

Vô số những trường hợp tương tự trong cuộc sống thực đã cho thấy bản chất của hôn nhân không khác gì một mối quan hệ hợp tác trong kinh doanh, đôi bên cùng có lợi mới đem tới kết quả tốt nhất. Nếu một bên phát triển nhanh chóng, một bên chỉ dậm chân tại chỗ mà không biết tự quản lý năng lực phát triển của mình thì sớm muộn cũng bị đẩy ra ngoài cuộc chơi.

Trong hôn nhân, hãy thay đổi bản thân, đừng tìm cách thay đổi người khác

Một nữ đồng nghiệp vừa ăn cơm với mọi người, vừa không ngừng phàn nàn về chồng mình. Chị thường xuyên kêu ca rằng, anh ta vừa đi làm về đã vứt quần áo và tất bẩn lên sofa, rồi mặc kệ để đấy. Ở ngoài đường thì ăn uống hát hò vui chơi nhậu nhẹt không thiếu một cuộc vui nào, nhưng về nhà thì chỉ cắm đầu ngồi một chỗ chơi điện tử hoặc xem ti vi. Anh ta còn rất lười biếng trong việc rèn luyện cơ thể, kết hôn chưa đến một năm mà đã béo lên gần 20 cân…

Khi trò chuyện, câu phổ biến nhất mà chị đồng nghiệp nói với mọi người là: "Tôi thực sự không biết phải làm gì để thay đổi anh ấy bây giờ cả."

Trên thực tế, đây là vấn đề phổ biến đối với nhiều cặp vợ chồng. Ai cũng sẽ có lúc cảm thấy đối phương không đáp ứng được mong muốn và ý nguyện của họ ở một số phương diện nào đấy. Sau đó, họ sẽ nghĩ mọi cách để thay đổi đối phương.

Đại đa số những vấn đề đó đều tồn tại từ trước khi kết hôn, nhưng lấy ví dụ ở chị đồng nghiệp trong câu chuyện trên, chị vẫn luôn cảm thấy mình có thể thay đổi được thói quen xấu ấy của chồng. Vì thế, chị kết hôn với tâm lý “tạm chấp nhận” để sau này chính thức bước vào quá trình “điều chỉnh lại” theo mong đợi của bản thân.

Kết quả là giữa hai vợ chồng xuất hiện ngày càng nhiều những lời phàn nàn, cãi vã và đổ lỗi cho nhau. Mối quan hệ ngày càng tồi tệ hơn, nhưng các vấn đề vẫn không hề thay đổi.

Người vợ sẽ nghĩ: “Nếu anh ấy yêu mình, tại sao anh ấy không thể thay đổi vì mình cơ chứ?”

Trong khi đó, người chồng lại cho rằng, “Nếu cô ấy không thích những điểm này của mình, vậy cô ấy còn cưới mình làm gì?”

Còn có rất nhiều người không hiểu được bản chất của hôn nhân chính là: Hãy thay đổi bản thân, đừng tìm cách thay đổi người khác.

Chẳng phải tự dưng mà người xưa đã có câu: “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời.” Khi một người trưởng thành bước vào hôn nhân, kể cả thói quen sống hay cách cư xử của họ đều đã được định hình từ lâu. Suy nghĩ thay đổi người khác để thỏa mãn mong muốn của mình gần như là một loại ảo tưởng viển vông, thậm chí còn có phần ích kỷ.

Do đó, thay vì luôn nghĩ cách thay đổi nhau, tốt hơn hết là học cách tự quản lý bản thân, đối xử với nhau như những cá thể độc lập, giảm bớt kỳ vọng và tìm ra cách phù hợp nhất để hòa hợp.
 

Không có một ai hoàn hảo mọi mặt

Từng có một vụ tranh chấp hy hữu giữa hai vợ chồng trẻ diễn ra vào lúc 1 giờ sáng, nguyên nhân bắt nguồn từ việc người chồng “xì hơi” quá nhiều trong phòng, người vợ không chịu nổi nên bắt đầu cự cãi, to tiếng rồi xô xát với nhau. Sau đó, hai bên ầm ỹ đòi ly hôn bằng được dù được nhiều người khuyên bảo hết mực.

Khi bước chân vào hôn nhân, họ đã ôm trong lòng quá nhiều quan điểm lãng mạn sai lệch về tình yêu, sau đó, chúng đổ vỡ hoàn toàn khi đứng trước hiện thực phũ phàng. Thời gian dài chung sống khiến chúng ta phải nhìn thẳng vào những mặt tầm thường nhất của đối phương, những thiếu sót và khuyết điểm đã không thể thay đổi. Vào thời điểm đó, họ bắt đầu nảy ra suy nghĩ hối hận về quyết định khi xưa của mình.

Thế nhưng, mọi người lại quên rằng, trên đời không có ai hoàn hảo mọi mặt. Chúng ta có thể hối hận khi tiếp xúc với người này với lý do này thì cũng có thể hối hận khi ở bên người khác vì lý do khác.

Trong chương trình “Đời sống vợ chồng” của kênh truyền hình, người ta đã mời một cặp vợ chồng hạnh phúc chia sẻ bí quyết “cầm tay cả đời, bên nhau đến già” của họ là gì. Người chồng chỉ trả lời đơn giản với đúng một chữ: “Đó là: Nhẫn”. Người vợ thì bảo: “Tôi lại có 4 chữ, đó là: Nhẫn xong lại nhịn.”

Đi tới kết hôn bằng cảm xúc, nhưng cần quản lý hôn nhân bằng sự bao dung. Đó mới là bản chất thực sự mà người ta phải chấp nhận.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây