Chúng ta đều nể phục những tấm gương vượt nghèo khó đi lên nhưng thực tế những người làm được vậy không nhiều. Trong khi đó những người nghèo khó có tư chất thông minh thì mãi vẫn là những người nghèo khó và không thể cạnh tranh được với con nhà giàu.
Một nghiên cứu cho thấy, trẻ em thuộc tầng lớp thượng lưu dễ đạt được thành công hơn so với những đứa trẻ nghèo khó học giỏi. Nhiều người cho rằng, làm việc chăm chỉ, đạt điểm cao sẽ giúp bạn dễ dàng có được thành công tại Mỹ nói riêng và tất cả các quốc gia nói chung. Nhưng đó chỉ là những câu nói tạo động lực. Trên thực tế đời không như mơ và các nhà khoa học cũng đồng tình với quan điểm này,
Theo một nghiên cứu có tên "Born to Win, Schooled to Lose" của CEW, việc học giỏi và trở thành một người giàu có chẳng khác nào câu chuyện cổ tích. Ngày ngay để thành công tại Mỹ, tốt hơn là bạn nên được sinh ra trong một gia đình giàu có hơn là thông minh. Nhóm tác giả nghiên cứu cũng nhận thấy, những người có tài năng và thông minh xuất phát từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có được sự thành công; như con nhà giàu và có học lực ở mức bình thường.
Mọi người có xu hướng đổ lỗi cho các trường học và vì đã không giúp đỡ những người có tư chất thông minh. Nhưng có nhiều yếu tố khác chi phối đến vấn đề này, đó là chủng tộc, giai cấp và giới tính, sách dạy, số lượng từ mà bạn biết,…Sự bất lợi và lợi thế vì vậy rất phức tạp.
Định nghĩa thành công của CEW là phải...giàu có
Ngay cả với tiêu chuẩn khiêm tốn nhất của CEW để đạt được thành công, đó là có bằng đại học và sau đó là tìm được một công việc tốt, có rất ít trẻ em nghèo khó đạt được điều này. Lẽ dĩ nhiên, trẻ em xuất phát từ các gia đình nghèo phải làm việc chăm chỉ hơn để tìm cơ hội cạnh tranh với những đứa trẻ nhà giàu. Nhưng ngay cả khi làm việc chăm chỉ hơn, cơ hội thành công với những đứa trẻ này cũng không có nhiều.
Nghiên cứu chỉ ra: "Thật đáng kinh ngạc, một đứa trẻ từ nhóm dưới cùng của xã hội có điểm kiểm tra mẫu giáo cao nhưng lại chỉ có 3/10 cơ hội được hưởng nền giáo dục đại học và công việc tốt khi đến tuổi trưởng thành. Con số này ở trẻ nhà giàu là 7/10 và điều đáng nói là chúng lại có điểm kiểm tra thấp hơn những đứa trẻ nhà nghèo".
Thậm chí với cả những đứa trẻ nghèo có tương lai sáng sủa hơn, cơ hội để chúng có thể duy trì được điểm số và chớp lấy cơ hội làm giàu vẫn khá mong manh. Carnevale cho biết : "Khi chúng tôi theo dõi những đứa trẻ này trong suốt những năm đó, chúng tôi phát hiện ra rằng tất cả chúng đều đã có đôi lần thất bại. Nhưng sự khác biệt là có những đứa trẻ vấp ngã rồi gượng dậy được và những đứa trẻ còn lại thì không thể nào tìm ra được cách vượt qua nghịch cảnh".
Trái lại, những đứa trẻ nhà giàu có xu hướng muốn thất bại theo những cách dễ chịu và nhẹ nhàng nhất có thể. Đơn giản bởi chúng được hưởng lợi thế lớn từ khả năng tài chính của gia đình. Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên làm nổi bật vai trò của sự giàu có đối với thành công của một đứa trẻ. Một nghiên cứu từng được công bố hồi tháng 7/2018 cho thấy, những đứa trẻ không có tài năng nhưng lại sinh ra trong gia đình khá giả có tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao hơn cả những đứa trẻ trong gia đình nghèo khó.
Thông qua phương pháp phân tích gen cho thấy, năng lực di truyền ở cả trẻ nhà giàu và nhà nghèo là tương đương nhau. Mặc dù vậy, sự thành công đôi khi lại thuộc về những đứa trẻ có tiền. Tuy vậy nghiên cứu này vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa tính đến những tấm gương vượt khó thành công. Nếu không có nguồn lực tài chính của gia đình, ngay cả những đứa trẻ thông minh nhất cũng sẽ gặp phải khó khăn. Nhiều người có thể coi sự nghèo khó là động lực để vươn lên nhưng đây cũng có thể là rào cản để đi tới thành công đối với nhiều người.
Hãy xem các tỷ phú được xem là tự thân xuất thân tầng lớp nào? Bill Gates có mẹ làm giám đốc ngân hàng ở Mỹ. Warren Buffet có bố làm nghị sĩ. Mark Zuckerberg có bố mẹ làm luật sư... Cả ba người bọn họ đều có một điểm chung đó là nền tảng gia đình vững chắc. Lỡ họ khởi nghiệp hay đầu tư thất bại, bố mẹ họ vẫn dư sức lo cho một công việc ổn định, thu nhập cao hơn tầng lớp trung lưu ở Mỹ.
Ảnh hưởng vị thế của cha mẹ tới thế hệ sau vượt xa những gì chúng ta tưởng tượng , không chỉ về tiền bạc mà còn cả hôn nhân, khả năng cảm thông và mạng lưới xã hội. Một yếu tố quan trọng nữa chính là kinh tế. Cha mẹ ở các gia đình tầng lớp cao có thể cho con những điều kiện vật chất, điều kiện học tập tốt nhất. Họ cũng được tiếp xúc với nhiều phương pháp dạy dỗ mới.
Một đứa trẻ sinh ra trong một môi trường nghèo như tại các khu ổ chuột thành phố, hay các vùng quê xa xôi hẻo lánh, thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi con người và hoàn cảnh bao quanh. Trừ một thiểu số có ý chí và tư duy mạnh mẽ, đa số âm thầm chịu đựng rồi đổ thừa cho số mệnh. Câu “cái số mình nó thế” nghe rất quen thuộc ở những môi trường nghèo. Con người có đặc tính “bầy đàn”. Khi đám đông nghèo thì ta cũng “hạnh phúc” với cái nghèo, biện luận là phải “chia sẻ” với láng giềng. Nhiều người lại còn tự hào về cái hạnh phúc trong nghèo đói của mình.