Nhận biết kẻ tiểu nhân quanh mình

Thứ bảy - 05/09/2020 16:50
Đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết người ngay, kẻ tà. Trong đời, ai cũng cần học cách nhận rõ người quân tử thẳng thắn với phường tiểu nhân hiểm độc. Một xem chữ LỢI, hai nhìn chữ KHÓ, ắt sẽ biết kẻ nào không thể đặt niềm tin.
Nhận biết kẻ tiểu nhân quanh mình
Dù là bất kỳ ai thì cũng cần có thời gian để nhìn thấu bản chất bên trong. Thế nhưng, thời gian cũng không phải yếu tố duy nhất. Có những kẻ tiểu nhân, bất nhân bất nghĩa, che giấu chính mình sâu đến nỗi chúng ta không hề hay biết dù họ tồn tại ngay xung quanh.
 
“Phù tri nhân tính, mạc nan sát yên. Mỹ ác ký thù, tình mạo bất nhất, hữu ôn lương nhi vi trá giả, hữu ngoại cung nhi nội khi giả, hữu ngoại dũng nhi nội khiếp giả, hữu tận lực nhi bất trung giả. Nhiên tri nhân chi đạo hữu thất yên.”
 
Tạm dịch:
 
“Biết tính cách người ta, chẳng có gì là khó. Tốt xấu khác nhau, thì nội tâm khác với biểu lộ. Có kẻ vẻ hiền lành nhưng thực giả dối. Có kẻ ngoài cung kính nhưng trong lừa bịp. Có kẻ ngoài dũng mãnh nhưng trong khiếp sợ. Có kẻ tận tụy nhưng bất trung. Cách nhận biết người có các cách:”
 
1. Hỏi khó khăn, xem can đảm
 
Hãy nói cho đối phương nghe về khó khăn, rắc rối, thậm chí là tai họa sắp đến và xem họ có đủ can đảm để cùng đối mặt hay không.
 
Thời điểm hoạn nạn sẽ là dấu mốc để dễ bề nhận rõ kẻ tiểu nhân, sẵn sàng đạp lên lợi ích, tôn nghiêm, nguyên tắc và thậm chí là mạng sống của người khác để mưu cầu lối thoát cho riêng mình.
 
Kẻ nhu nhược thì chỉ “bo bo giữ mình”, ôm chặt quyền lợi của bản thân, không quan tâm đoái hoài tới người khác. Với hai kiểu người này, không cần lãng phí thêm thời gian dành cho họ nữa.
 
Chỉ có người can đảm, nghĩa khí và có bản lĩnh thực sự mới biết chia sẻ và giúp đỡ bạn bè. Đây là đối tượng chân thành, xứng đáng để đặt lòng tin và đối xử thật lòng.
 
2. Hỏi lợi ích, xem nhân phẩm
 
Có câu: “Chim chết vì mồi, người chết vì tiền.”
 
Cho tới cùng, danh và lợi đối với con người ta, là một thứ chất gây nghiện và cũng là một loại cám dỗ lâu dài mà ít ai có thể tránh khỏi. Cho nên, muốn biết nhân phẩm một người có đáng tin cậy hay không, hãy đặt trước mặt họ một số cám dỗ, ích lợi với mức độ tùy thuộc vào nguyên tắc và sự kiên nhẫn của đối phương.
 
Nếu họ bắt đầu tỏ thái độ phân vân suy tính, lập lờ nước đôi, “gió chiều nào che chiều ấy”, thì nên dè chừng và quan sát nhiều hơn. Đừng vội đặt trọng trách hay quyền lực lớn vào tay đối phương.
 
Còn những kẻ chỉ vì chút lợi nhuận nhất thời mà sẵn sàng bán đứng giá trị đạo đức, nguyên tắc và bạn bè thì càng không nên dại dột mà kết giao. Họ chỉ là tiểu nhân bị vật chất làm mờ mắt, không thể kiềm chế được lòng tham. Quen biết kiểu người này là nguy hiểm nhất, vì họ như một quả bom hẹn giờ, bất cứ lúc nào cũng có thể đe dọa tới quyền lợi của bạn.
 
Ngược lại, những người có thể giữ được bình tĩnh và nguyên tắc khi đối mặt với tiền bạc sẽ chẳng có lý do gì để phản bội bạn bè.
 
3. Hỏi ý kiến, xem trí tuệ
 
Hãy tìm một vấn đề để tham khảo ý kiến của đối phương, từ cách thức và câu trả lời của họ để hiểu trình độ học thức của người đó.
 
Nếu câu trả lời không mang tính xây dựng, chỉ bông đùa vu vơ thì có khả năng người này nông cạn về mặt tri thức, hoặc giữ thái độ hời hợt trong mối quan hệ với bạn.
 
Nếu họ có thể phân tích nguyên nhân, gốc rễ của những vướng mắc như tình cảm, tâm lý, hành vi… và hỗ trợ bạn đưa ra phương án giải quyết cuối cùng thì người bạn này rất đáng để kết giao. Họ vừa lý trí, vừa thấu cảm và giỏi quan sát mọi người.
 
4. Mời uống rượu, xem bản chất
 
Có câu “Rượu vào lời ra”, con người khi say thường dễ để lộ bản tính thật của chính mình. Do đó, muốn biết bản chất thực của một người, hãy nhìn lời ăn tiếng nói của họ trong lúc uống rượu.
 
Với những người mượn rượu làm càn, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người khác, buông lời nhục mạ hạ lưu… gây phản cảm hoặc thậm chí là thương tổn cho người khác, tốt nhất chúng ta nên tránh xa.
 
5. Hỏi thị phi, xem ý chí
 
Hãy hỏi đối phương một vấn đề phải - trái, đúng - sai để quan sát chí hướng của họ có phân định thị phi rạch ròi hay không.
 
Nếu một người trả lời ba phải, không rõ ràng mà chỉ trốn tránh vấn đề, hoặc không dám biểu đạt bản thân thì bạn có thể nhìn ra thái độ của họ từ đáp án đó.
 
Ngược lại, nếu đối phương nêu rõ quan điểm chính xác, nói có sách mách có chứng, đưa ra lập luận xác đáng để minh chứng cho kết luận của mình thì bạn cũng có thể dễ dàng nhận thấy tầm nhìn và nguyện vọng của họ.
 
6. Hỏi truy vấn, xem phản ứng
 
Hãy tìm một vấn đề có thể gây tranh cãi rồi cùng thảo luận kịch liệt với đối phương, nhìn vào sự phản ứng về thái độ và ngôn từ của họ để phán đoán tâm tính.
 
Nếu một người không thể tranh luận thắng, sau đó tỏ thái độ phớt lờ và “chiến tranh lạnh”, muốn ép bạn nhún nhường ngược lại thì không nên kết giao.
 
Nếu họ thắng bạn rồi thể hiện thái độ huênh hoang, khiêu khích và tự cao thì nên tránh xa.
 
Nếu họ đấu khẩu một hồi rồi mặt đỏ tía tai, muốn động tay động chân thì không cần nói nhiều, bạn đủ hiểu tâm tính kẻ này như thế nào.
 
Đương nhiên, nếu đối phương có thể bình tĩnh và tỉnh táo thảo luận với bạn từ đầu tới cuối, chứng tỏ họ có được tâm tính tốt đẹp, hiền hòa và đầy bản lĩnh, xứng đáng để học tập và kết thân.
 
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử cũng có nói: “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai? Nhân yên sưu tai?”
 
Có nghĩa là: “Xem mục đích việc anh ta làm, xem những việc và cách thức anh ta đã làm, xem những việc làm anh ta yên vui thích thú, thì sẽ biết anh ta là người như thế nào. Là người như thế nào làm sao mà giấu được? Làm sao mà giấu được?”
 
Quả thật, nhìn vào lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế, thái độ và hành động của một người khi phản ứng những vấn đề khác nhau sẽ giúp chúng ta quan sát, nhận ra tính cách thật sự của một người. Từ đó, bạn mới có thể chọn bạn mà chơi, chọn người mà tin.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây