Con bất hiếu với cha mẹ có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?

Thứ hai - 06/06/2016 16:06
Ngày nay, chúng ta chắc không còn lạ lẫm với tình trạng nhiều gia đình con cái bất hiếu, cãi lại cha mẹ hay thậm chí là còn đánh đập, xúc phạm người có công sinh thành và dưỡng dục mình.
Con bất hiếu với cha mẹ có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?
Con bất hiếu với cha mẹ là gì?

Trong ca dao Việt Nam có câu sau:
"Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con."

Cha mẹ là người có công lao rất lớn trong cuộc đời của mỗi con người. Cha mẹ sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta nên người. Việc cha mẹ yêu thương, chăm sóc những đứa con vô điều kiện được chúng ta bắt gặp hàng ngày ở mỗi gia đình. Đó không chỉ là trách nhiệm bổn phận của cha mẹ mà hơn hết đó là tình yêu thương máu mủ ruột thịt. Nhưng ngược lại hiện nay một số trường hợp con cái bất hiếu lại với cha mẹ, không thực hiện tròn nghĩa vụ, bổn phận đạo làm con làm cho các đấng sinh thành rất đau lòng và là hành vi cả xã hội cần lên án.

- Hiếu thảo với cha mẹ là những chuẩn mực đạo đức xã hội để đánh giá việc một con người trong mối quan hệ với những người thân trong gia đình. Hiếu thảo còn được quy định là quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 70 và 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

+ Nghĩa vụ của con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

+ Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

- Còn bất hiếu là tính từ thể hiện thái độ ngược đãi hoặc tệ bạc không phải đạo với cha mẹ. Hiện nay pháp luật không quy định thế nào là bất hiếu mà chỉ quy định hành vi ngược đãi tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP về hướng dẫn thi hành nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9 tháng 6 năm 2000 của Quốc Hội về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình có quy định như sau:

+ Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm, ... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.
 
bat hieu


Chế tài xử lý hành vi con bất hiếu với cha mẹ.

Xử phạt hành chính đối với hành vi con bất hiếu với cha mẹ.

Hành vi bất hiếu với cha mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu có các hành vi theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

* Đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình theo Điều 52 Nghị định trên:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi trên.

+ Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, chữa bệnh đối với các hành vi trên.

* Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây

+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân

+ Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ

- Hành vi trên sẽ phải thực hiện biện pháp khác phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi trên.

* Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

+ Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

+ Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai nạn nhân khi có yêu cầu và buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi vi phạm (nếu có).

* Đối với hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

+ Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau ly hôn theo quy định của pháp luật.

- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

* Đối với hành vi bạo lực về kinh tế:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.

+ Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.

+ Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.

* Đối với hành vi trái pháp luật buộc cha mẹ ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ

Xử lý trách nhiệm hình sự với hành vi con bất hiếu với cha mẹ.

Hành vi bất hiếu với cha mẹ có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?

* Cụ thể hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ được quy định tại Điều 185 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy đinh như sau:

- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Như vậy đối với hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì có thể bị phạt tù lên đến 05 năm.

* Đối với trường hợp từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 186 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định như sau:

- Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ thì người vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 02 năm.

Ngoài ra nếu có các căn cứ chứng minh người vi phạm có hành vi của tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì có thể bị phạt tù lên đến 03 năm.

Tuy nhiên để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cần có một trong các dấu hiệu sau đây:

- Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mạt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần.

- Người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 186 Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng cần phải có đầy đủ các dấu hiệu sau đây:

- Người vi phạm phải là người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình;

- Người vi phạm phải từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng (tức là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe như: ốm đau, bệnh tật, ...). Trong trường hợp chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây