CÔNG TY TNHH LUẬT DÂN TRÍ - TƯ VẤN HÔN NHÂN - THỦ TỤC ĐẤT ĐAI - THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP - TRANH CHẤP DÂN SỰ - HÌNH SỰ - BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU - LAO ĐỘNG - THỪA KẾ - Luật sư pháp lý - Tư vấn pháp lý - Tư vấn và làm thủ tục đất đai - Thành lập doanh nghiệp - HìLuật sư pháp lý - Tư vấn pháp lý - Tư vấn và làm thủ tục đất đai - Thành lập doanh nghiệp - Hình sự - Hôn nhân
Tiêu tiền của người lạ chuyển khoản nhầm vào tài khoản có phạm tội không?
Thứ ba - 15/08/2023 09:16
Theo Bộ Công an, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng hoặc có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt đến 5 năm tù.
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo trên không gian mạng. Số tiền các đối tượng lừa đảo từ vài triệu cho đến cả tỷ đồng khiến nhiều nạn nhân rơi vào cảnh cùng quẫn.
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi. Bên cạnh một số trường hợp nhầm lẫn khi thao tác thì các đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu trò chuyển tiền nhầm nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân. Với kịch bản cho vay nặng lãi, đối tượng xấu cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người dùng với lời nhắn tương tự cho mượn tiền hoặc giải ngân khoản vay...
Khi chủ tài khoản nhận được tiền, đối tượng xấu sẽ giả danh người thu hồi nợ, dọa nạt và yêu cầu trả lại số tiền đã nhận cùng với khoản lãi cao "cắt cổ". Vậy khi nhận được một số tiền lạ do người khác gửi nhầm thì phải xử lý thế nào? Nếu tiêu tiền do chuyển nhầm thì bị xử lý ra sao?
Vấn đề này được Bộ Công an trả lời cụ thể như sau:
Khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì người nhận phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể mức xử lý sẽ như sau: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng. Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đặc biệt nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1 – 5 năm.
Từ 01/07/2024 chuyển tiền nhầm vẫn có cách để lấy lại
Theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, liên quan đến áp dụng giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán qua thẻ ngân hàng, từ ngày 01/07/2024 đã có thêm quy định khi chuyển tiền. Cụ thể, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.
Người thực hiện giao dịch có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất. Đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, thời gian áp dụng các quy định tại Quyết định này kể từ ngày 1/1/2025.
Ông Phạm Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo kết quả điều tra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân thời gian qua, có đến 99% vụ việc là không để lại dấu vết của bọn tội phạm. Vì tiền được chuyển đến nhưng tài khoản được thuê, mượn mua bán sau đó được chuyển ra tài khoản khác. Việc truy tìm đối tượng lừa đảo rất khó khăn.
Nhưng từ 01/07/2024, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của bọn lừa đảo rồi thì cũng có thể lấy lại tiền. Ông Tuấn giải thích rõ thêm, vì muốn chuyển vào tài khoản là người thực hiện phải xác thực sinh trắc học với giao dịch trên 10 triệu đồng. Còn trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền thì cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip.
Hiện nay, có nhiều người dù đã có gia đình riêng, nhưng vẫn "cặp bồ", nhiều người bị đánh ghen, bôi xấu trên mạng xã hội, song tình trạng này vẫn diễn...
Theo Bộ Công an, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng hoặc có thể bị xử lý hình sự với...