DỊCH COVID CÓ ĐƯỢC XEM LÀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG

Thứ ba - 23/03/2021 15:58
Khi nào thì dịch Covid được xem là sự kiện bất khả kháng. Doanh nghiệp nên làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước nhưng ảnh hưởng do Covid đem lại?
DỊCH COVID CÓ ĐƯỢC XEM LÀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG
 Vừa qua Chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến sự ảnh hưởng của dịch Covid đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cá nhân và doanh nghiệp. Căn cứ trên các câu hỏi và tình hình thực tế, Chúng tôi đã biên soạn lại nội dung câu hỏi và ý kiến tư vấn như sau để quý bạn đọc tiện theo dõi.

- Hỏi: Dịch Covid có được xem là sự kiện bất khả kháng không, nếu chậm hoặc không thể thực hiện được hợp đồng do ảnh hưởng của dịch Covid, và do yêu cầu giãn cách từ cơ quan nhà nước thì tôi có phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng không? Tôi nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trước tình hình như hiện nay?

- Trả lời: Tại khoản 1 điều 156 BLDS 2015 quy định:

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, để được xem là sự kiện bất khả kháng thì cần đáp ứng đủ 03 điều kiện đó là:

+ Xảy ra một cách khách quan,

+ Không thể lường trước được và

+ Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Bản thân dịch Covid không được xem là một sự kiện bất khả kháng, vì ở một số địa phương và với nhiều nghành nghề kinh doanh vẫn có thể hoạt động được trong dịch Covid. Tuy nhiên, nếu đại dịch Covid kèm theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc một số nghành nghề hoặc một số địa phương nhất định phải dừng toàn bộ hoạt động trong thời gian…, hoặc phải dừng một số hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được thì có thể được xem là sự kiện bất khả kháng.

Theo quy định tại điều 351 (trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ), điều 488 (trả tiền khoán và phương thức trả), điều 541 (trách nhiệm bồi thường thiệt hại), điều 556 (quyền của bên gửi tài sản), điều 557, điều 584, 601 BLDS… và điểm b khoản 1 điều 294 Luật thương mại thì bên vi phạm nghĩa vụ hoặc gây thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm với bên còn lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Tuy nhiên, đối với các hợp đồng được điều chỉnh bởi Luật thương mại thì cần lưu ý như sau:
Tại điều 295 Luật thương mại có quy định về trường hợp thông báo về trường hợp miễn trách nhiệm, theo đó:

“- Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.

- Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

- Và bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình”.

Chính vì vậy, khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên vi phạm phải thông báo bằng văn bản cho bên kia, nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả. Trường hợp kéo dài quá các thời hạn nói trên, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.

* Đối với các trường hợp gặp khó khăn do dịch Covid (như buộc phải giảm số lượng công nhân, chậm thực hiện việc vận chuyển hoàng hóa, thiếu nguyên liệu…) nhưng lại không đủ căn cứ để được xem là sự kiện bất khả kháng thì các bên có thể áp dụng điều khoản về thực hiện hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định tại điều 420 BLDS. Theo đó hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau:

1) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

2) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

3) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

4) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

5) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Nếu các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:

+ Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

+ Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.


Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

* Đối với các hợp đồng được đàm phán, ký kết trong giai đoạn đã và đang có dịch Covid như hiện nay, các bên nên thỏa thuận để đưa thêm các điều khoản về các sự kiện bất khả kháng; hoàn cảnh thay đổi cơ bản; các phương thức đàm phàn, thương lượng nếu quá trình thực hiện hợp đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các bên… cũng như cách thức giải quyết các hậu quả do ảnh hưởng của dịch Covid.

NẾU CẦN HỖ TRỢ, HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây