Chiến lược mới được đánh dấu bằng bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Fed Jerome đưa ra tối hôm qua (27/8) theo giờ Việt Nam.
Chiến lược mới của Fed là gì?
Chiến lược mới sẽ đặt nặng hơn vai trò của việc nâng đỡ thị trường lao động trong khi giảm bớt những lo ngại về tỷ lệ lạm phát nếu lạm phát tăng quá cao.
Toàn dụng lao động là trạng thái của nền kinh tế mà tất cả mọi người thuộc lực lượng lao động (trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc với mức lương hiện hành trên thị trường lao động) đều có việc làm. Nền kinh tế chỉ tồn tại thất nghiệp tự nhiên. Chỉ có những người không chấp nhận làm việc ở mức lương chung của thị trường mới không có việc làm.
Gọi "toàn dụng lao động" là "mục tiêu phủ rộng và bao trùm", Fed cam kết sẽ đưa ra các chính sách tiền tệ dựa trên tình trạng nền kinh tế đã đạt mức độ toàn dụng lao động đến đâu.
Điều đó có nghĩa là Fed sẽ tiếp tục chiến đấu nếu tỷ lệ thất nghiệp ở mức quá cao, nhưng không giống như trước đây, Fed sẽ không "rung chuông báo động" nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm quá sâu và quá nhanh.
Chiến lược mới của Fed cũng bao gồm áp dụng "mục tiêu lạm phát trung bình" dưới dạng thức lỏng lẻo hơn, mà theo đó Fed sẽ bù đắp cho thời kỳ lạm phát quá thấp bằng cách cho phép lạm phát tăng lên quá cao trong 1 thời gian nhất định, miễn sao trung bình trong dài hạn lạm phát ở mức 2%.
Điều đó có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế?
Trước đây, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức siêu thấp được Fed coi là tín hiệu cảnh báo sớm về lạm phát không mong muốn. Tuy nhiên đó chỉ là lo lắng và chưa bao giờ trở thành sự thật. Trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống gần mức thấp nhất 50 năm, nhưng chẳng có dấu hiệu lạm phát nào xuất hiện. Do đó cách tiếp cận mới của Fed đã tiếp nhận bài học này và đem đến cho Fed nhiều dư địa hơn để duy trì nới lỏng tiền tệ kể cả khi tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Mặc dù cách tiếp cận mới có thể khiến giá thực phẩm và hàng hóa thiết yếu tăng, ông Powell giải thích rằng đó là cái giá hợp lý để ngăn lạm phát rơi xuống quá thấp và để đạt được mục tiêu thị trường lao động khỏe mạnh hơn.
Cơ chế mới sẽ hoạt động như thế nào?
Vì suốt nhiều năm nay lạm phát của Mỹ không vượt quá 2%, chiến lược mới của Fed báo hiệu rằng các nhà hoạch định chính sách thậm chí sẽ không nghĩ đến chuyện tăng lãi suất cho đến khi lạm phát vượt quá mức mục tiêu 2% trong 1 thời gian dài.
Ý tưởng ở đây là nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp bị thuyết phục rằng lạm phát sẽ tăng, họ sẽ giảm sức mua, tăng vay tiền, đưa ra các quyết định chi tiêu và đầu tư sớm hơn. Sức chi tiêu bùng nổ trong thời kỳ kinh tế suy giảm sẽ giúp tạo ra việc làm và tăng lực cầu, nhanh chóng kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ.
Ngoài ra, mục tiêu mới của Fed là giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ đưa một lượng lớn nhân công quay trở lại thị trường lao động.
Fed có thể tính toán sai lầm?
Để chiến lược mới của Fed đạt hiệu quả, các hộ gia đình và doanh nghiệp phải tin tưởng rằng các nhà hoạch định chính sách đã hoàn toàn từ bỏ tư duy phải chiến đấu với lạm phát và "toàn tâm toàn ý" với vai trò mới là đảm bảo thị trường lao động khỏe mạnh.
Và họ cũng phải tin rằng một chút lạm phát là điều tốt, đặc biệt nếu như lạm phát tạo ra nhiều việc làm hơn.
Ngoài ra, lãi suất ở mức thấp quá lâu sẽ có xu hướng đẩy tăng giá cổ phiếu – điều có lẽ sẽ có lợi cho những người Mỹ giàu có hơn là nhóm yếu thế hơn. Trong khi phúc lợi dành cho nhóm này lại là mục tiêu quan trọng nhất mà Fed hướng đến.
Một vấn đề khác là Fed tuyên bố chấp nhận lạm phát tăng nhưng điều đó không có nghĩa là Fed có thể tạo ra lạm phát. Fed cũng không đề cập chi tiết về chuyện làm thế nào để khiến giá cả tăng lên, mặc dù có cam kết là sẽ sử dụng mọi công cụ có trong tay để đạt được mục tiêu lạm phát.
Vì sao Fed thay đổi cách tiếp cận?
Fed lo ngại rằng các công cụ chiến đấu chống lại suy thoái kinh tế hiện nay sẽ không hoạt động hiệu quả trong môi trường lạm phát và lãi suất đều quá thấp so với lịch sử như hiện nay. Công cụ truyền thống là cắt giảm lãi suất đã không còn hiệu quả như trước.
Hôm qua ông Powell đã phát biểu: "Nhiều người cho rằng Fed muốn đẩy lạm phát lên cao là không trực quan. Nhưng lạm phát liên tục ở mức quá thấp có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế."
Cách tiếp cận trước đây của Fed được áp dụng từ năm 2012, với trọng tâm là mục tiêu lạm phát 2% - mức đủ thấp để không gây ra tác động tiêu cực nhưng cũng đủ cao để chống lại tình trạng giảm phát khi kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, những năm vừa qua nền kinh tế đã rơi vào trạng thái mà Fed không lường trước được: bất chấp lãi suất ở mức gần 0 trong nhiều năm và Fed mua vào hàng nghìn tỷ USD trái phiếu, họ vẫn không thể đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Trong khi đó lạm phát quá thấp khiến Fed không thể hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế chỉ bằng cách cắt giảm lãi suất như trước. Để đối phó với khủng hoảng do Covid-19, Fed đã phải dùng đến những công cụ mang nhiều tính chính trị như mua trái phiếu và cho các doanh nghiệp vay tiền trực tiếp.
Lần thay đổi này không được thiết kế để nhằm mục đích cụ thể là giúp Fed chống lại cuộc suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra, nhưng có thể coi đây là 1 bài kiểm tra thử nghiệm.