Các ngân hàng trung ương sẽ điều khiển kinh tế toàn cầu năm 2022

Thứ hai - 27/12/2021 16:00
Đại dịch Covid-19 sẽ không phải là kẻ thù số 1 đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2022. Những mối nguy hiểm lớn nhất trong năm nay dự báo sẽ bắt nguồn từ lạm phát – yếu tố rủi ro rất cao mà các nhà hoạch định chính sách gọi là sự phục hồi sau Covid.
Các ngân hàng trung ương sẽ điều khiển kinh tế toàn cầu năm 2022
Các nhà kinh tế dự đoán năm 2023 nền kinh tế toàn cầu sẽ trở lại bình thường. Nếu dự đoán này sai, năm 2023 tất cả chúng ta phải trả giá. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét liệu nền kinh tế toàn cầu có đủ mạnh để vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra với sự trợ giúp từ các chính phủ và ngân hàng trung ương giảm đi hay không, và liệu lạm phát có phải là ‘tác dụng phụ’ tạm thời của Covid hay là một vấn đề dai dẳng hơn thế.

Khi đối mặt với một loạt các kịch bản mỗi kịch bản có sự khác biệt không nhỏ, các nhà dự báo thường lựa chọn kịch bản ở khoảng giữa, không quá tích cực mà cũng không quá tiêu cực. Trong số những nhà phân tích, nhìn chung họ đều đồng thuận là nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,4% vào năm 2022, sau khi tăng 5,8% vào năm 2021. Từ năm 2023 trở đi, hầu hết đều đồng ý tăng trưởng sẽ trở lại mức bình thường dài hạn, khoảng 3,5%, như thể Covid chưa từng xảy ra.

Chỉ có một vấn đề mà các nhà phân tích có sự chia rẽ cao trong dự đoán. Nền kinh tế trông có vẻ đang bình thường trở lại, nhưng chưa chắc đã phải thế. Nếu trong 12 tháng nữa tình hình không thay đổi thì chắc chắn các nhà hoạch định chính sách sẽ gặp rắc rối lớn. Hãy nhìn vào thị trường lao động. Có ít nhất 10 triệu vị trí cần tuyển dụng trên khắp Hoa Kỳ vào cuối năm 2021, mà mọi giám đốc nhà hàng, giám đốc nhà máy và giám đốc điều hành đều ra rả kêu rằng họ đang phải chật vật để lấp đầy. Tình trạng thiếu lao động xuất hiện ở khắp mọi nơi - ngoại trừ các số liệu thống kê. Đi sâu vào các con số, bạn sẽ thấy có ít nhất 5 triệu người Hoa Kỳ trưởng thành hiện đang không làm việc dù đã được tuyển dụng thành công vào đầu năm 2020.

Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất có người lao động bị ‘mất tích’. Vương quốc Anh có hơn một triệu vị trí việc làm chưa tìm được người tính tới tháng 11, nhưng có thêm ít nhất 600.000 người không chịu làm việc so với đầu năm 2020. Họ đang tiếp tục giảm làm việc ngay cả khi lương tăng. Cho dù đó là bồi bàn hay tài xế xe tải, ngành sản xuất vi mạch hay làm pho mát kem, sự không phù hợp giữa cung và cầu đã trở thành áp lực lên sự phục hồi khỏi Covid – hậu quả của giai đoạn 18 tháng ‘điên rồ’ - chứng kiến ​​nền kinh tế lớn nhất thế giới suy giảm gần 20% trong 6 tháng sau đó lấy lại toàn bộ những gì đã mất của 6 tháng đó từ giữa năm 2021.
 
du lieu


Những người chiến thắng lớn từ đợt tăng lịch sử đó là các hộ gia đình Hoa Kỳ, những người có khối tài sản tăng vọt nhờ thị trường chứng khoán và bất động sản đang bùng nổ (tức là tầng lớp những người vốn giàu sẵn). Tính chung lại, người dân Hoa Kỳ đã có thêm ước tính 2,6 nghìn tỷ đô la tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng của họ tính đến giữa năm 2021, một khoản tích lũy tương đương 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong phần lớn thời gian của năm 2021, các nhà hoạch định chính sách ở Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ(Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác cảm thấy tự tin khi loại bỏ tình trạng thiếu lao động và tắc nghẽn chuỗi cung ứng – những hậu quả ngắn hạn của đại dịch. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi Covid kéo dài và số tiền rủng rỉnh trong tài khoản ngân hàng đã khiến nhiều người thất nghiệp không muốn quay trở lại làm việc. Các ngân hàng trung ương giải thích rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết theo thời gian.

Trong tình huống đó, "bất ngờ" xuất hiện một yếu tố có thể giải thích hợp lý cho lạm phát ở năm 2021, đó là giá năng lượng tăng, củng cố quan điểm rằng các ngân hàng trung ương chưa hành động gấp, bởi chi phí nhiên liệu tăng cao đó đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Nhưng đến Lễ Tạ ơn, lạm phát giá tiêu dùng của Hoa Kỳ vẫn ở mức 6,8% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ khi Ronald Reagan làm tổng thống và gấp khoảng ba lần so với dự báo của Fed vào đầu năm 2021. Chưa dừng lại ở đó, lạm phát tháng 12 của Hoa kỳ vẫn tiếp tục vọt lên 7%, mức cao chưa từng có trong vòng gần 4 thập kỷ.

Như vậy, đến tháng 12, câu chuyện cuối cùng đã chuyển từ lạm phát chỉ là "tạm thời" sang thành "mất quá nhiều thời gian để điều chỉnh, có thể cần một cú hích", và thị trường hiện đang đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm 2022. Ngân hàng Nước Anh, dự báo lạm phát sẽ tăng trên 6% trong những tháng tới, đã khởi đầu chặng đường bình thường hóa chính sách tiền tệ một cách thuận lợi tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2021, khi tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Các nhà đầu tư nhận định Anh sẽ tăng lãi suất thêm 4 lần nữa trong năm 2022.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã không tăng lãi suất tham chiếu trong suốt hơn một thập kỷ, và Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, đã nói rằng nâng lãi suất không phải là kế hoạch của năm nay. Khu vực đồng euro gồm 19 quốc gia ngay từ đầu đã có lạm phát thấp hơn so với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, và sự phục hồi kinh tế của khu vực này cũng kém mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, với dữ liệu công bố mới nhất cho thấy giá tiêu dùng tăng với tốc độ kỷ lục 5% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, ECB cũng có thể chịu áp lực tăng giá.

Do đó, chắc chắn việc ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới sẽ rút các chương trình hỗ trợ khỏi nền kinh tế thì những ngân hàng khác khó có thể tụt lại quá xa. Bức tranh của năm 2022 sẽ được định hình bằng việc liệu những động thái đó sẽ là quá nhiều cho quá trình hồi phục kinh tế hay không? hay vẫn quá ít, hoặc quá muộn?

Từng là ngân hàng trung ương gây ra hầu hết các cuộc suy thoái, xét về khía cạnh "quá nhiều", các nhà phân tích lo ngại việc Fed tăng lãi suất quá nhanh sẽ gây ra những tác động lan truyền tiếp theo, chẳng hạn như kinh tế suy giảm trở lại trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh và lo sợ về ‘tác dụng phụ’ của việc nền kinh tế trở nên cạn kiệt đồng USD vào đúng lúc mà lãi suất tăng lên.
 
chi so
 
Chỉ số chi tiêu hàng hóa của cá nhân của các nền kinh tế lớn

Biến thể Omicron sẽ rõ ràng có tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Số ca nhiễm Omicron liên tiếp lập đỉnh mới nhưng ảnh hưởng về mặt kinh tế giảm dần, một phần do mọi người đã trở nên ứng phó tốt hơn với dịch bệnh nên giảm thiểu hậu quả gây ra cho kinh tế. Omicron dường như dễ lây lan hơn nhưng lại ít gây chết người hơn so với các biến thể trước đó. Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm biến thể này có thể gây áp lực nặng nề lên hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, bởi khiến cho số người bị cách ly – rời khỏi vị trí việc làm tăng lên, hoặc giãn cách xã hội, như đã xảy ra ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Tác động từ việc các chính phủ chấm dứt các khoản chi tiêu hỗ trợ kinh tế trong giai đoạn đại dịch sẽ khó có thể giảm nhanh. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã thực hiện kích thích kinh tế trong 2 năm qua với việc Liên bang tung 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ mọi đối tượng trong xã hội, phần lớn dưới hình thức tiền mặt.

Việc loại bỏ tất cả những kích thích đó chắc chắn sẽ tạo ra lỗ hổng trong tổng nhu cầu trị giá ít nhất tương đương 3% của GDP. Và giả định rằng chính quyền Biden cói thể thông qua kế hoạch Build Back Better (tạm dịch: Xây lại tốt hơn) trị giá 1,75 nghìn tỷ USD, trải dài trong 10 năm và có thể giúp tăng trưởng vào năm 2022 được cộng thêm 0,5 điểm phần trăm, song tất cả hoặc phần lớn chi tiêu bổ sung đó có thể biến mất nếu Nhà Trắng không đạt được sự đồng thuận của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Tây Virginia, Joe Manchin, người đang là "chìa khóa" thành công trong việc thông qua kế hoạch này.

Thượng nghị sĩ Manchin vào tháng 12/2021 đã tuyên bố không ủng hộ dự luật chi tiêu xã hội 1,75 nghìn tỷ USD, động thái giáng đòn chí mạng vào nỗ lực của Biden. Ông Biden cùng các đảng viên Dân chủ khác trong thời gian qua đã rất cố gắng thuyết phục ông Manchin ủng hộ dự luật. Tuy nhiên, ông Manchin cho rằng khoản tiền 1,75 nghìn tỷ USD của dự luật ‘Xây lại tốt hơn’ quá tốn kém và sẽ làm trầm trọng tình trạng lạm phát của Hoa Kỳ. Để dự luật được thông qua ở Thượng viện, ông Biden cần toàn bộ 50 thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu thuận, do 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối.
 
gdp
Tỷ lệ tăng trưởng GDP (ước tính năm 2021 và dự báo 2022, so sánh với năm liền trước)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây