Song hành với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo... thì xu hướng sống số của con người cũng đang dần thay đổi. Giờ đây thay vì mua sắm ở chợ, đọc tin ở báo... thì mọi thứ đã có tất trên những trang newsfeed ta lướt hằng ngày. Thậm chí chúng còn thông minh đến mức chỉ cần ta nghĩ, hay ta nói gì chúng cũng thu thập và tiếp cập đến ta thứ ta cần. Nhờ vậy, giờ đây phần lớn cuộc sống và xã hội đã thu nhỏ lại chỉ còn bằng chiếc màn hình smartphone mà thôi.
Ấy thế mà nhờ vậy mà giờ đây nổi tiếng thật là dễ, dăm ba cái "đu trend", đôi câu chuyện ảo trên hội này nhóm kia cũng dễ giúp người này nổi, người kia hút trăm like, ngàn like. Cái like, cái share khiến nhiều kẻ tham lam muốn dẫn dắt dư luận. Để rồi biết bao tin giả, xu hướng lệch lạc tạo ra như những vết đen mà nhiều người dễ bị sa vào. Rồi còn biết bao hệ lụy, bao nguy hiểm tới tư tưởng, tâm lý của cả xã hội. Vậy nên, nếu bạn là người dùng mạng xã hội thì nên trau dồi thêm những kỹ năng này.
1. Hãy đọc một các bình tĩnh
Thông tin là một điều tất yếu của mạng xã hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của mình, giờ đây chúng ta chỉ cần lướt mạng xã hội đã có những thông tin mới nhất, nóng nhất, trực tuyến nhất. Sự khát thông tin khiến cho người ta đâm vào mạng xã hội như những chú thiêu thân tìm đến nơi ánh sáng. Những thông tin nóng bỏng, gay cấn, hấp dẫn được nhà nhà người người chia sẻ chỉ trong vài tích tắc.
Nhưng hỡi ôi, cũng biết bao tin giả, tin nhảm, tin độc hại đang được chia sẻ từng giờ trên mạng xã hội. Thông tin không chính thống khiến người đọc người xem hiểu sai bản chất câu chuyện và tin theo điều đó. Những cái tít, những câu giật gân nhằm mục đích hút share, hút view dẫn dắt dư luận đi sai hướng. Cứ như thế, càng ngày chúng ta càng ngộ độc thông tin từ mạng hội.
Vậy nên, mỗi người cần học được cách thẩm định tin tức để đảm bảo bản thân luôn tỉnh táo trên mạng xã hội. Hãy biết nhìn nhận đâu là tin tức chính thống, tin tức rác nhằm câu like, câu view. Hãy chỉ đọc thông tin và những bài đa chiều để có cái nhìn nhận đúng về mỗi sự việc. Đừng quên, dù ở đâu, thiết bị nào thì cũng cần phát huy văn hóa đọc một cách văn minh thì bạn mới không bị nhiễm độc bởi thông tin đến từ mạng xã hội.
2. Bảo vệ thông tin bản thân
Trong cuộc sống số, việc bảo vệ dữ liệu bản thân là điều quan trọng khi chúng ta sử dụng mạng xã hội. Bất kỳ những thông tin gì như việc bạn check-in, bạn mua sắm, thông tin nhân khẩu học đều được các trang mạng xã hội thu thập tạo thành những tập big data của người dùng. Do đó, nếu không cẩn trọng bạn sẽ bị để lộ những thông tin để phục vụ cho những mục đích xấu như lừa đảo, giả mạo...
Trên mạng xã hội, hãy luôn luôn cẩn trọng trước khi gửi bất kỳ thông tin cá nhân của bạn tới các đối tượng trên mạng xã hội. Hãy đảm bảo rằng, khi bạn gửi thông tin đó bạn sẽ luôn được bảo mật. Đừng bao giờ tiết lộ những thông tin nhạy cảm như số điện thoại hay số chứng minh thư nhân dân tới những đối tượng mà bạn chưa biết đó là ai. Họ có thể dễ dàng lấy thông tin của để hack tài khoản hoặc dùng cho mục đích xấu mà bạn không hề hay biết.
Đồng thời, một điều khá quan trọng mà chúng ta thường xuyên bỏ qua khi sử dụng mạng xã hội đó là tạo các lớp bảo mật tài khoản. Mạng xã hội lập ra chỉ mất có 1-2 phút một cách vô cùng dễ dàng. Đồng thời cũng sẽ dễ bị mất tài khoản, hack tài khoản nếu không tạo ra lớp bảo mật và xác thực thông tin cho tài khoản. Do vậy, đừng quên tạo các lớp bảo mật và xác thực để bảo vệ tài khoản bản thân trước những nguy hiểm đánh cắp thông tin của mạng xã hội.
3. Cẩn trọng trong nút Like - Share - Comment!
Tương tác - hay Like - Share - Comment đang dần trở thành lẽ sống của nhiều người dùng trên mạng xã hội. Chỉnh một bức ảnh đẹp, một món ăn ngon, một địa điểm hấp dẫn chỉ với mục đích có nhiều người yêu thích và chia sẻ. Một nội dung đăng lên với mong muốn có nhiều người bàn tán xoay quanh đó. Giờ đây, người người nhà nhà muốn tạo nội dung lan tỏa để thu hút sự chú ý của dư luận. Nhưng nội dung đó tốt hay xấu, ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực thì điều đó chúng ta cần cân nhắc trước mỗi tương tác của bản thân mình.
Nhiều khi, những thông tin tốt, thông tin tích cực lại bị nhiều người cho là nhạt nhẽo và nhàm chán. Giờ đây ngành giải trí "nhảm" lên ngôi một cách mạnh mẽ. Khắp đâu trên mạng xã hội cũng là những nội dung nhảm nhí, phi giáo dục... nhưng vẫn có lượt tương tác cao. Mặt khác những người đầu tư chỉn chu vào sản phẩm và nội dung mang tính giáo dục cao đôi khi lại bị ngó lơ. Điều đó giờ đây là một hiện thực nhức nhối việc câu tương tác qua nội dung gây sốc, bậy bạ ngày càng dày đặc trên mạng xã hội.
Do vậy, nếu muốn trở thành một người sử dụng mạng xã hội có văn hóa, hãy sẵn sàng loại bỏ những kênh thông tin đăng nội dung nhảm nhí ra khỏi danh sách theo dõi. Hãy dừng lại, suy nghĩ trước bất kỳ những tương tác nào trên mạng xã hội. Ngẫm lại từ từ trước khi ấn nút like, trước khi viết gì đó lên mạng xã hội. Đừng quên bản thân bạn hãy có trách nhiệm với mỗi Like - Share - Comment trên mạng xã hội.