Ngày hôm nay 10-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng có báo cáo nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều ngành sản xuất, ngành dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam...
Đáng chú ý, đại dịch toàn cầu đã khiến doanh nghiệp (DN) đang phải gồng mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh.
Theo kết quả khảo sát về tình hình DN bị tác động bởi dịch Covid-19, phần lớn các DN được khảo sát đều ước tính doanh thu giảm mạnh so với năm 2019 (từ 40-50%) do ảnh hưởng giảm mạnh cả về đầu vào (nguồn cung nguyên liệu) và đầu ra (số lượng đơn hàng), trong khi đó gánh nặng chi phí ngày càng tăng, dẫn đến dự kiến cắt giảm mạnh lao động trong năm.
Phần lớn các DN chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn: 35% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 3 tháng; 38% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 6 tháng; 13% có khả năng cầm cự trong 1 năm; và 14% có khả năng cầm cự trên 1 năm.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch, hàng không, vận tải, dệt may, da giầy…
Theo Bộ KH-ĐT, trong khi doanh thu bị giảm nặng nề, nhiều DN, nhất là DN đang sử dụng nhiều lao động, vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí lớn. Bên cạnh đó, đại dịch lây lan trên quy mô toàn cầu khiến DN thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đặc biệt ở các ngành sản xuất, chế biến chế tạo phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Thị trường đầu ra xuất khẩu bị giảm mạnh, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hủy như dệt may, da giày, tour du lịch, trong khi đó thị trường trong nước cũng gặp khó khăn do tâm lý ngại ra ngoài mua sắm của người dân"- báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn, các nhà máy sản xuất bắt đầu cho cắt giảm lao động hoặc nghỉ luân phiên. Tình trạng DN có nguy cơ đóng cửa, giải thể, phá sản rất cao. Thực tế đã có nhiều nhà hàng, khách sạn, DN phải rao bán.
Bộ KH-ĐT dự báo nếu dịch tiếp tục kéo dài, việc mua bán sáp nhập DN sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ. Đặc biệt là các DN có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có khả năng tạo nền tảng cho sản xuất kinh doanh của một số ngành kinh tế quan trọng.
Bộ KH-ĐT cũng lo ngại trong thời gian tới, số lượng DN rút lui khỏi thị trường, đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thể còn nghiêm trọng hơn do khả năng cầm cự của nhiều DN đã tới hạn, đặc biệt đối với DN nhỏ và vừa.
Khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm
Do dịch Covid-19, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Theo ước tính sơ bộ, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Số lao động đăng ký của các DN mới thành lập trong tháng 3 năm 2020 giảm 43,9% so với cùng kỳ năm 2019 (trong khi tháng 3-2019 tăng 123% so với cùng kỳ).
Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Những tác động này sẽ tạo sức ép cho thị trường lao động khiến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, có thể dẫn tới các vấn đề xã hội khác.