Lúc nào cũng thế, trong những lúc bạn khó khăn và bế tắc nhất, sẽ luôn có những người dựa vào đó để coi thường bạn, để nói rằng bạn là kẻ vô dụng, bất tài mà lại hay mơ ước cao xa. Khi ấy, hãy cảm ơn họ vì biết đâu bạn chưa thành công bởi vì bạn còn có những khiếm khuyết mà chính bạn chưa thấy được.
“Cảm ơn”, đó là điều bình thường bạn vẫn làm trong cuộc sống khi có ai đó giúp đỡ bạn hay làm cho bạn một điều gì đó tốt đẹp. Đôi khi, “cảm ơn” cũng chỉ đơn giản là để thể hiện sự cảm kích của bạn đối với những người trân trọng và tin tưởng bạn. Bởi lẽ, không có những con người như thế, bạn khó lòng mà vượt qua những khó khăn hoặc vươn tới những thành công trong cuộc sống. Chính vì thế, họ xứng đáng nhận được lời “cảm ơn” từ bạn bằng cách này cách khác, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Tuy nhiên, trên con đường vươn tới thành công, khi bạn dám mơ ước những điều to lớn, bên cạnh rất nhiều người sẽ mến trọng bạn hơn, cũng sẽ có một số ít người chọn coi thường những mơ ước của bạn, thậm chí lấy đó làm lý do để xem thường bạn. Họ sẽ nói với bạn những câu như là: “Bị khùng rồi”, “Bị điên rồi”, “Đúng là nằm mơ giữa ban ngày”, “Đồ thùng rỗng kêu to”, “Tôi như thế này mà còn không làm được, anh nghĩ mình làm được à?”, “Vậy thì có gì là hay, ông Y, bà Z, làm hay hơn nhiều”,…
Đó cũng là kinh nghiệm của tôi. Khi tôi quyết tâm từ bỏ cuộc sống đơn điệu của mình để làm một điều gì đó cho bản thân, gia đình và đất nước. Đã có không ít người cho rằng tôi “rảnh rỗi sinh nông nổi”, cho rằng tôi “sẽ chẳng bao giờ làm được gì”, cho rằng tôi “nằm mơ giữa ban ngày”, cho rằng tôi thế này hay thế kia,… bởi vì một lẽ đơn giản là tôi đã dám làm điều họ không dám, và quan trọng hơn hết là tôi đã dám khác họ.
Đáng ngạc nhiên hơn, hầu hết họ chưa bao giờ gặp mặt hay trò chuyện với tôi. Họ chỉ biết tôi qua cái tên hoặc nhiều lắm là… nghe từ người khác. Có thể có nhiều lý do để họ làm như thế, nhưng thông thường chỉ có hai lý do chính thường thấy.
Thứ nhất là “ghen ăn tức ở”, thấy người khác dám nghĩ dám làm nên đâm ra ghen ghét. Vì sâu thẳm trong lòng, họ biết rằng những người dám nghĩ dám làm có thể thất bại nhưng cũng có thể thành công, còn bản thân mình vì không dám nghĩ dám làm nên chắc chắn sẽ khó mà thất bại, nhưng cũng càng khó có cơ hội thành công.
Còn lý do thứ hai là vì lòng tự trọng kém, họ sợ khi người khác thành công hơn, họ sẽ bị coi thường nên họ lựa chọn coi thường người khác trước.
Lý do nào đi nữa thì tôi thấy những người coi thường mình đáng thương hơn là đáng ghét. Họ chẳng qua chỉ là nạn nhân của lối tư duy bảo thủ của mình. Họ tội nghiệp đến mức ghen tức lồng lộn lên ngay cả khi người khác chỉ mới mơ ước, chứ thật ra cũng chưa chắc đã có những thành quả gì rõ rệt. Nhưng những người thích ghen tức này có một phương châm hết sức kỳ lạ là: “Nếu tôi không có hoặc không dám sống vì ước mơ của mình, thì tôi sẽ ganh ghét với bất kỳ ai dám”.
Tôi không biết bạn cảm thấy thế nào về những người như thế, nhưng riêng bản thân tôi, lúc đầu tôi đã từng cảm thấy “không thích” họ. Họ là ai mà dám tự cho mình cái quyền được xem thường và dè bỉu mơ ước của người khác? Họ là ai mà dám tự cho mình cái quyền được phán xét hay chế giễu người khác? Thậm chí, đã có lúc, tôi từng thề với lòng mình rằng: “Mình phải thành công cho bọn họ biết mặt xem còn dám khinh thường mình nữa không”. Nhờ đó, tôi đã bắt đầu quyết tâm làm những điều mà người khác cho rằng “không thể”.
Nhưng khi tôi bắt đầu đạt được những thành quả ban đầu sau bao nhiêu hy sinh và nỗ lực, tôi phát hiện ra rằng, cho dù bạn thành công hơn đi nữa thì chắc chắn vẫn cũng sẽ có một số ít người chọn không thích bạn hoặc xem thường bạn.
Thậm chí, có người bạn từng chia sẻ với tôi rằng: “Nếu một người có fan mà không có anti–fan thì chắc là chưa phải thành công lắm”. Ngồi nghiệm lại thì tôi thấy đúng thật, những người thành công nhất trên thế giới này luôn có rất nhiều người mến mộ và cũng có không ít những “kẻ thù tự nhiên”. Ngay cả Tổng thống Obama, vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, người đã có hai nhiệm kỳ làm Tổng thống và đang được rất nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ, vậy mà vẫn có người xem thường, thậm chí lên mạng chửi rủa thậm tệ, chỉ vì vị Tổng thống không thể làm tất cả họ hài lòng. Tệ hơn nữa, có cả những người ghét Obama chỉ vì ông có màu da sậm.
Nói cho cùng thì “xem thường bạn” là một suy nghĩ và thái độ của… người khác – đó là một lựa chọn của họ. Ngay cả khi bạn làm tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời này, vẫn sẽ có những người tự cho phép bản thân họ lựa chọn xem thường bạn. Và bạn sẽ chẳng làm được gì hơn để thay đổi suy nghĩ đó của họ.
Cho dù bạn có cố gắng làm theo ý họ, thì họ cũng sẽ cố gắng tìm ra “khuyết điểm” khác của bạn để tiếp tục tự cho phép bản thân họ xem thường bạn. Bạn phải hiểu rằng, bạn chẳng thể nào sống để thỏa mãn “tiêu chuẩn” của tất cả mọi người trên đời này. Việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người lúc nào cũng đảm bảo cho bạn một… thất bại. Cho nên, bạn cũng chẳng việc gì phải quá lo lắng về những người muốn xem thường bạn, miễn là lúc nào bạn cũng đảm bảo rằng số người yêu quý bạn nhiều hơn gấp nhiều lần số người xem thường bạn.
Quan trọng nhất là bạn biết rằng, không ai có thể xem thường mình trừ khi mình “cho phép” họ làm điều đó. Chúng ta thường “cho phép” người khác xem thường mình bằng cách suốt ngày lo lắng, đau khổ, buồn phiền,… về việc mình “bị” xem thường. Trong khi đó, bạn có thể chọn “không cho phép” mình có cái cảm giác “bị” xem thường bằng cách tập trung vào những con người và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Cho nên, thay vì mất thời gian “không thích” những người đó như lúc ban đầu, tôi chọn đơn giản không quan tâm đến họ. Tôi cũng không còn nghĩ đến việc họ sai hay đúng, điều đó không quan trọng. Tôi chỉ biết họ khác tôi và vì thế họ chọn không thích tôi. Điều quan trọng là tôi sống vì ước mơ của mình và vì rất nhiều người chứ không phải vì một nhóm nhỏ những người vốn đã không coi trọng tôi. Trong cuộc sống của chính bạn, bạn cũng có thể lựa chọn như tôi nếu bạn thấy điều đó hữu ích cho bạn.
Tôi cũng phát hiện ra rằng, những con người kia và cách suy nghĩ của họ không bao giờ có thể biến chúng ta thành một người tốt hơn hay thành công hơn trong cuộc sống. Chỉ có cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi bạn có thể sống tự do, có thể cống hiến cho xã hội, có thể vươn tới những mục tiêu ý nghĩa, có thể làm được những việc không tưởng, có thể nhận được những lời cảm ơn từ rất nhiều người vốn luôn tin tưởng bạn,… mới là những điều khiến bạn sống tốt hơn, thành công hơn từng ngày.
Khi gặp những khó khăn thử thách trong cuộc sống, tôi thầm cảm ơn cuộc đời đang thách thức tôi nhiều hơn để tôi ngày càng mạnh mẽ hơn.
Nhận ra điều đó, đã từ rất lâu tôi hoàn toàn bỏ hẳn thái độ “không thích” những người xem thường tôi. Thay vào đó, tôi tập trung thời gian, công sức và nỗ lực của mình cho rất nhiều người quý trọng và tin tưởng tôi cho dù tôi đã từng gặp họ hay chưa. Chính họ mới là những người tạo nên thế giới tươi đẹp mà tôi mong muốn. Chính họ mới là người góp phần vào hạnh phúc của tôi trong cuộc sống này.
Chính những người biết quý trọng người khác, những người luôn nhìn thế giới bằng sự lạc quan tin tưởng, những người biết trải rộng lòng mình để hiểu và chấp nhận người khác, những người biết trân trọng và cảm kích những gì người khác làm cho mình,… cũng đang từng ngày không chỉ làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, mà còn làm cho cuộc sống họ tốt đẹp hơn. Bởi lẽ, họ cũng xứng đáng được tin tưởng, được đối xử bằng cả tấm lòng, được trân trọng và được cảm kích.
Còn đối với những người đã từng xem thường tôi thì sao? Giờ đây ngược lại, tôi thật sự cảm ơn họ theo đúng nghĩa của từ “cảm ơn”, bởi vì cho dù họ chưa bao giờ mong muốn giúp tôi nhưng họ đã vô tình giúp tôi.
Nếu không có họ, tôi đã không có cái động lực to lớn để bắt đầu con đường đầy chông gai thử thách nhưng cũng đầy yêu thương hạnh phúc của mình. Đúng là chỉ có qua gian khó thử thách trên con đường vươn lên, chúng ta mới cảm nhận được hết ý nghĩa của yêu thương và hạnh phúc. Nếu không có họ, tôi đã không có cơ hội nhận ra rằng, trên đời này còn có rất nhiều những con người tuyệt vời khác hẳn họ. Nếu không có họ, tôi đã không vô cùng yêu quý những người mến trọng và tin tưởng mình. Nếu không có họ, tôi đã không hiểu được rằng, tôi không bao giờ được tự cho mình cái quyền xem thường những mơ ước của người khác hay phán xét người khác. Nếu không có họ, tôi đã không hiểu được tầm quan trọng của việc biết chấp nhận và tôn trọng người khác. Vì tất cả những điều tuyệt vời mà sự coi thường của họ đã vô tình mang lại cho tôi, tôi thật lòng cảm ơn họ.
Bạn cũng thế, bạn có thể chọn căm ghét những người từng coi thường ước mơ của bạn, để rồi bạn phải sống trong thù hằn, đau khổ hay lo lắng. Ngược lại, bạn cũng có thể chọn cảm ơn những người đó, để biến sự tiêu cực của họ thành cái tích cực của mình, để có một nguồn sức mạnh thêm vào giúp bạn vươn lên không ngừng trong cuộc sống, để chứng tỏ rằng mình có thể. Và rồi thông qua cách bạn sống và vươn lên như một người thành công, bạn có thể tự tin “không cho phép” bất kỳ ai xem thường mình nữa. Tất cả là lựa chọn của bạn. Mong bạn hãy nhớ một điều đơn giản rằng:
Cho dù bạn là ai, nếu có người chọn xem thường bạn, thì bạn cũng không thể ép hay thuyết phục họ phải thay đổi suy nghĩ của họ ngay. Nhưng ngược lại, nếu bạn không cho phép người khác xem thường bạn từ trong chính suy nghĩ của mình, thì không có bất kỳ ai có thể thật sự xem thường bạn.
Ý kiến bạn đọc
Th.08
16
Hiện nay, có nhiều người dù đã có gia đình riêng, nhưng vẫn "cặp bồ", nhiều người bị đánh ghen, bôi xấu trên mạng xã hội, song tình trạng này vẫn diễn...
Th.08
15
Theo Bộ Công an, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng hoặc có thể bị xử lý hình sự với...
Th.08
14
Khi vi phạm về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, người cho vay có thể đối mặt với hình phạt tiền, cải tạo không giam giữa hoặc phạt tù.
Th.08
12
Thời gian gần đây, nổi lên vài vụ tranh chấp về việc vay nợ. Sự việc xảy ra tranh chấp khi bên nói có, bên nói không về sự tồn tại của việc cho vay...
Th.08
11
Theo Quyết định 11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà...
Th.08
10
Hành vi đánh bạc online (đánh bạc qua mạng) có thể bị phạt tù đến 7 năm, đồng thời có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền đến 50...