Vài ngày trước một video ngắn trở nên nổi tiếng.
Đó là đoạn video ghi lại cảnh cãi vã của một đôi tình nhân tại hành lang bệnh viện. Cô gái gào khóc nói rằng muốn dành mọi thứ tốt nhất cho mẹ, làm tròn chữ hiếu.
Nhưng hiện thực là tình trạng kinh tế khốn khó của cô và bạn trai chỉ có thể để người nhà sống trong một căn phòng trọ nhỏ tồi tàn đến nỗi ngay cả một chiếc giường sạch sẽ cũng không có.
Lúc mời mẹ và họ hàng đi ăn, họ chỉ gọi được bốn món, cơm cũng ăn không đủ.
Mẹ cô đột ngột phát bệnh phải nhập viện, họ ngay cả tiền khám cũng không có, chỉ có thể đứng sốt ruột ở hành lang.
Cô gái vừa tự trách mình bất lực, vừa than vãn với bạn trai vì sao không thể giúp cô.
Còn chàng trai thì kích động hất bỏ đôi tay cầu cứu của cô, quát lớn: “Những việc làm được anh đều đã làm rồi, anh vô dụng! Khả năng anh chỉ có nhiêu đó!”
Cách một màn hình cũng có thể cảm nhận được sự bất lực và tuyệt vọng của họ.
Họ không phải cặp đôi không hợp tính cách, cũng không phải cố ý gây sự, nguyên nhân mà họ cãi vã, chỉ một từ thôi: Nghèo.
Nếu như có tiền, có thể cho mẹ sống một căn phòng trọ tốt hơn, để họ hàng ăn một bữa cơm thịnh soạn, lúc khám bệnh có khả năng đăng ký lấy số và tiếp nhận cách trị liệu tốt nhất cho mẹ, họ còn cãi nhau sao?
Cuộc sống thực tế như vậy đấy, vợ chồng nghèo, khổ trăm bề.
Ngay cả nhu cầu cơ bản của cuộc sống cũng không cách nào đáp ứng được, thì cho dù tình cảm vợ chồng có tốt đẹp hơn đi chăng nữa cũng sẽ vì chuyện tiền bạc mà tranh cãi không dứt.
Tôi nhớ bộ phim truyền hình “Căn hộ nhỏ” từng xem vài năm về trước, đôi vợ chồng nghèo khổ Hải Tảo và Tô Thuần là cặp đôi khiến tôi đau như kim châm.
Họ chen chúc trong căn hộ vài mét vuông, không có nhà bếp, nơi riêng tư được ngăn cách bởi một tấm vải, không có phòng riêng. Hơn nữa, họ còn thường vì vài nghìn đồng mà tranh cãi gay gắt, thậm chí ầm ĩ đến mức ly hôn.
Giống như lời thoại trong “Chuyện tình Bắc Kinh”: Khi không phải bận lòng điều gì, cái nghèo đối với tôi chỉ là sự khác biệt giữa bữa tối có bánh mì và bữa tối có bít tết, chẳng hề ảnh hưởng đến niềm vui của tôi. Nhưng khi yêu một người, tôi mới thấm thía tự ti vì nghèo là như thế nào. Tình yêu không có vật chất chỉ như một nắm cát, không cần gió thổi, đi được hai bước tự khắc vương vãi.
Trên mạng có người đặt câu hỏi: Những đạo lý nào sau khi kết hôn thì bạn mới hiểu?
Câu trả lời nhận được nhiều lượt thích nhất là: Cơ sở kinh tế không những quyết định kiến trúc nhà ở, mà còn quyết định gia đình và sự hài hòa.
“Vợ chồng nghèo, khổ trăm bề” không phải câu nói vu vơ.
Điều tiên, bất luận ngành nghề nào ở xã hội ngày nay, chỉ cần chúng ta chịu cố gắng thì sẽ không đến nỗi quá tệ. Ý tôi không phải mua nhà, mua xe ở ngay trung tâm thành phố, suy cho cùng tuổi trẻ không có gì trong tay là chuyện thường tình, ý của tôi là so với tình hình gia đình khác thì gia đình của họ không thuộc diện tệ nhất. Phải biết rằng ngoại trừ thiên tai nhân họa, trong một gia đình như vậy mà cuộc sống của các thành viên không vui vẻ, nhất định là nội bộ có vấn đề.
Hôn nhân không có bất cứ cơ sở vật chất nào, cho dù nồng nhiệt bao nhiêu, cuối cùng cũng sẽ hóa thành bong bóng xà phòng.
Chúng ta thường nói tình yêu thất bại trước hiện thực, vậy rốt cuộc nó đã thất bại như thế nào?
Chúng ta chọn ở cùng một người, là bởi vì ở cạnh họ cảm thấy rất vui vẻ rất hạnh phúc.
Nhưng đó là ở trạng thái vô tư không vướng bận điều gì, không cần phải suy nghĩ về tiền bạc. Một khi cả hai gánh vác nợ nần hoặc cuộc sống bế tắc, tâm trạng của cả hai nhất định không được tốt.
Tính khí của người đàn ông trở nên xấu đi, thái độ với người phụ nữ chắc chắn cũng sẽ thay đổi, lại thêm việc phải bôn ba kiếm sống, không thể ở nhà bên vợ mỗi ngày, tình cảm vì thế sẽ giảm đi nhiều.
Không những là người chồng, người vợ cũng sẽ bị áp lực của cuộc sống bức bách, đi làm sớm tan ca muộn, tính khí cũng sẽ ngày càng nóng nảy.
Khi hai người ở cùng nhau với tính khí bất ổn thì sẽ vì chuyện tiền bạc mà dẫn đến oán trách, chì chiết lẫn nhau, tình yêu lãng mạn trước kia, đến lúc này chỉ còn là một trò cười.
Đối với tình yêu không có cơ sở vật chất mà nói, thứ đục khoét tình cảm của họ không phải là tiền, mà là thiếu tiền nên mới dắt nhau bước tới bờ vực tan rã.
Thời gian trước bạn bè tôi chia sẻ một bài viết về hai vụ việc.
Một đôi vợ chồng thất nghiệp đã ly hôn vì nghèo, lúc ly hôn cái gì họ cũng muốn chia, thậm chí những đồ vật nhỏ như bát, nồi, muôi, chậu cũng muốn chia, làm mọi người thổn thức không dứt.
Câu chuyện thứ hai là về hai vợ chồng chen nhau trong ngôi nhà 7 mét vuông, người chồng đòi ly hôn, người vợ đồng ý nhưng phải đưa cô ấy 50 triệu, người chồng nói anh ta không có 50 triệu, chỉ có 5 triệu, còn muốn chia mười năm để chi trả, mỗi năm đưa 500 nghìn. Sau cùng, đôi vợ chồng này bởi vì quá nghèo cho nên ly hôn không thành công.
Quan tòa nhận xét: Hai vụ việc, một vì nghèo mà ly hôn, một vì nghèo mà không thể ly hôn.
Tôi không thể không nói, người giàu ly hôn còn mất cái này được cái khác, người nghèo ly hôn vẫn chỉ duy nhất nghèo khó bầu bạn. Nhưng trong hôn nhân, nếu ngay cả cơ sở vật chất tối thiểu cũng không thể đảm bảo, còn không biết phấn đấu vì cuộc sống, thì đừng nói là con đường hôn nhân cất bước gian nan, ngay cả số tiền ly hôn cũng ít đến đáng thương.
Trước khi kết hôn, nhất định phải có một số nền tảng vật chất, bởi vì 99% nguyên nhân vợ chồng cãi vã đều bắt nguồn từ việc không có tiền.
Việc to việc nhỏ đều tranh cãi vì tiền, từ mua một món đồ giá cao, tặng nhiều quà cho họ hàng người quen cho đến không có tiền cho con đi học thêm,...
Khi con người nghèo khó, trong lòng sẽ nhen nhóm ngọn lửa ham muốn hưởng thụ vật chất, gặp phải ngòi nổ thì hệt như rót xăng vào, bốc cháy dữ dội.
Mà vào lúc này, người ở gần bạn nhất, đương nhiên sẽ trở thành người đầu tiên bị ngọn lửa ấy làm cho bị thương.
Vợ chồng không có tiền trăm điều buồn khổ, nỗi buồn khổ ấy không phải đột ngột bộc phát, mà sẽ thẩm thấu tích tụ qua năm tháng.
Bởi vì sự chua xót mà nghèo khó mang đến rất nhỏ nên nó khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt dần dần mà chẳng ai hay biết, sau cùng dẫn đến cuộc sống hôn nhân sụp đổ.
Nghèo khó, là kẻ địch đáng sợ nhất của hôn nhân.
Điều quan trọng của một cuộc hôn nhân gắn bó là gì?
Nhiều người trả lời là tình yêu, là tính cách, là con cái, nhưng rất ít người trả lời là tiền.
Bộ phim phóng sự “Cuộc sống mới phất” của Mỹ có một tập kể về câu chuyện có thật của một đôi vợ chồng.
Alfred và Bernice là đôi vợ chồng già đã kết hôn được hơn 50 năm, sau khi kết hôn họ mở một tiệm đồ cổ nhưng tình hình kinh doanh quạnh quẽ.
Do thu không đủ chi, hai người liên tục cãi nhau vì kinh tế gia đình.
Bernice thường trách chồng mình keo kiệt, không biết kinh doanh, Alfred cũng cảm thấy Bernice nóng tính không thể thuyết phục nổi. Cả hai không còn trẻ nữa, vậy mà vẫn thường cố chấp giành phần thắng đến mức đỏ mặt khản cổ.
Vài năm sau, tiệm đồ cổ sắp phải đóng cửa vì buôn bán ế ẩm cộng thêm ảnh hưởng từ nguy cơ tài chính, những trận cãi vã của hai vợ chồng ngày càng nhiều hơn.
Nhưng niềm vui luôn đến rất đột ngột, có một lần, hai người đến sòng bạc. Bernice lén anh chồng keo kiệt của mình, bỏ đồng xu cuối cùng vào máy đánh bạc, không ngờ lại may mắn thắng 250.000 đô la.
Có số tiền thưởng này, cả hai nhanh chóng trả dứt nợ, sửa sang lại tiệm đồ cổ, mọi người nghe tin hai vợ chồng giàu lên bất ngờ nên cũng kéo đến xem, nhờ vậy tình hình kinh doanh của tiệm đồ cổ ngày một phát triển.
Chính vào lúc này, điều kỳ diệu đã xảy ra, tình cảm của đôi vợ chồng phút chốc trở nên vô cùng tốt đẹp.
Trong khu vườn xinh xắn phía sau ngôi nhà, họ ngồi đối diện nhau cùng thưởng thức trà chiều, trò chuyện vui vẻ.
Alfred đã biết lịch thiệp mở cửa xe cho cô vợ trước đây luôn miệng trách cứ mình.
Họ còn cùng nhau lên kế hoạch cho cửa hàng đồ cổ tiếp theo trong niềm hân hoan, điều mà trước kia hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi.
Sự đủ đầy của cuộc sống vật chất giúp hai vợ chồng có nhiều thời gian, tâm trí và sức lực để quan tâm cảm nhận của đối phương, làm cho tình cảm của họ trở nên gần gũi hơn.
Đồng thời, số tiền đó cũng giúp hai người vốn tương đồng về cách nhìn và sở thích có nền tảng để theo đuổi ước mơ đồ cổ của mình.
Dì Lý là bạn của mẹ tôi. Việc mà hai vợ chồng dì thích làm nhất đó là cãi nhau, thậm chí lúc đến nhà chúng tôi chơi, cũng sẽ vì một câu nói mà cãi nhau không chịu dừng.
Có lẽ họ cũng vì chuyện tiền bạc mà ầm ĩ, người chồng ở bên ngoài kinh doanh nhỏ, người vợ làm nhân viên phục vụ ở khách sạn, cuộc sống không mấy dư dả, luôn thiếu thứ này thứ kia.
Về sau có lần dì Lý cùng chồng đến nhà chúng tôi chơi, cả hai khoác tay nhau đi vào, cười híp mắt, trông cực kỳ tình cảm. Thấy thế tôi hỏi mẹ sao tự dưng hôm nay trông dì Lý và chồng của dì vui vẻ đến như vậy?
Mẹ tôi nói, nhà dì Lý bây giờ phát tài rồi, cô ấy mua ô tô cho chồng, mình thì khoác quần áo hàng hiệu, còn mua nhà mới, cả gia đình vui vẻ đầm ấm, còn tranh cãi gì nữa, căn bản không có mâu thuẫn gì để phát sinh tranh cãi.
“Có tiền thì tình cảm tốt đẹp, không có tiền thì ngày ngày cãi nhau”, câu nói này tuy có hơi thô, nhưng lý lẽ lại làm cho người ta tỉnh ngộ.
Hãy nhớ lại những người hay cãi nhau với bạn đời của mình, rốt cuộc đó thật sự là mâu thuẫn giữa người với người, hay nguyên nhân sâu xa hơn là vấn đề tiền bạc?
Bạn thử nghĩ xem, mâu thuẫn từ việc dạy con làm bài tập, công việc nhà, chi tiêu gia đình, xem bệnh cho cha mẹ, mời người quen đi ăn, thông thường đều không phải mâu thuẫn giữa người với người, mà là mâu thuẫn giữa người với tiền.
Có một câu nói rất đau lòng: Tiền có thể giải quyết 99% vấn đề trên thế giới, 1% còn lại là những vấn đề cần nhiều tiền hơn.
Vợ chồng có thể vì vài chục nghìn mà ly hôn. Tiền, mới có thể duy trì vẻ đẹp của hôn nhân.
Tôi viết bài này không phải muốn nói với mọi người rằng không có tiền thì không thể kết hôn, mà là muốn nói rõ với mọi người tầm quan trọng của nó trong hôn nhân.
Nhiều lúc, có thể hôn nhân của chúng ta không thật sự cần những bó hoa tươi đầy tính nghi thức hoặc cần cả nhà cùng ra nước ngoài du lịch. Mà là thâm tâm chúng ta biết mình có thể mua được những thứ ấy, có thể làm được những việc ấy, thì giống như uống một viên thuốc an thần vậy, bạn sẽ sống tích cực hơn.
Đồng tiền không sinh ra tình yêu, nhưng chí ít nó có thể duy trì vẻ đẹp của tình yêu.
Vậy nên, nếu như bạn thật lòng yêu một người, hãy cố gắng phấn đấu, làm sao cho một nửa của mình không bị hôn nhân nghèo bức ép và tổn thương.
Có nên vì tiền từ bỏ người mình yêu? Đương nhiên không, nhưng, nếu bạn đã chọn người mình yêu, thì nhất định phải phấn đấu vì tình yêu ấy.
Hôn nhân có thể là sự cam lòng thỏa hiệp, nhưng tuyệt đối không nên là sự tạm bợ trong bất lực.
Đừng để người ấy nghĩ rằng ở với bạn chỉ chịu khổ một thời gian, nhưng bạn lại bắt người ấy chịu khổ cả đời.