Tại sao nữ thần công lý lại bịt mắt

Thứ sáu - 17/01/2020 10:11
Hẳn nếu bạn là Dân luật thì biểu tượng “Nữ thần công lý” không còn quá xa lạ vì đây được xem là biểu tượng cho công lý, lẽ công bằng và tư pháp công minh.
Tại sao nữ thần công lý lại bịt mắt
Chính vì vậy mà ở nhiều nơi như trường luật, các tổ chức hành nghề luật sư (văn phòng/công ty Luật), chúng ta không khó để bắt gặp những bức tượng/hình ảnh Nữ thần công lý được trưng bày một cách trang trọng với ý nghĩa thể hiện niềm tin vào pháp Luật, niềm tin vào nghề nghiệp mình theo đuổi.
 
Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu đôi nét liên quan khá thú vị về biểu tượng Nữ thần công lý.
 
Nữ thần Công lý là ai và đến từ đâu?
 
Nữ thần công lý thường được biết đến với tên gọi tiếng Anh là Lady Justice.
 
Có ý kiến cho rằng rằng hầu hết các hình tượng Nữ thần Công lý ngày nay (Lady Justice) được kết hợp từ thần Themis (nữ thần của Hy Lạp, hiện thân của pháp luật và trật tự tự nhiên) và thần Justitia, trong tiếng Latin là Iustitia (hiện thân của công lý trong thần thoại La Mã):
 
+ Theo thần thoại Hy Lạp, Themis là một trong những người vợ của thần Zeus (tiếng Việt hay gọi là thần Dớt). Bà được miêu tả là cố vấn pháp lý đầu tiên của thần Zeus và thường ngồi cạnh ngai vàng của Zeus. Người kế tục bà trở thành hiện thân công lý sau này đó là nữ thần Dike – con của bà với thần Zeus.
 
+ Trong thần thoại La Mã cổ đại, Justitia được xem là hiện thân của nữ thần công lý. Bà là một trinh nữ sống giữa loài người cho đến khi loài người trở nên hủ bại và tha hóa, buộc bà phải bay lên trời và hóa thân thành chòm sao Xử nữ (Virgo). Có quan điểm cho rằng, Justitia trong thần thoại La Mã được kế thừa từ hình tượng Themis và Dike trong thần thoại Hy Lạp.
 
Tuy nhiên, nhìn trên phương diện biểu trưng của pháp luật, hiện thân cho công lý thì Justitia cũng tương đương với thần Themis và thần Dike.
 
Nữ thần công lý có ý nghĩa gì?
 
Nữ thần Công lý đại diện cho sự cầm cân nẩy mực, thường biết đến với hình ảnh của 03 biểu tượng: một tay cầm cân (scale), một tay cầm kiếm (sword) và một dải băng bịt kín đôi mắt (blindfold).
 
- Biểu tượng cán cân:
 
Tượng trưng cho sự suy xét cẩn trọng và công bằng, nghiêm minh, không thiên vị dựa trên cơ sở tình tiết, chứng cứ của vụ việc.
 
- Biểu tượng dải băng bịt mắt:
 
Các nhà khoa học cho rằng, chỉ đến thế kỷ 16, các tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ mới bắt đầu bổ sung chiếc băng bịt mắt vào hình tượng Nữ thần Công lý. Bức tượng đầu tiên thể hiện điều này được tìm thấy ở thành phố Berne (Thụy Sĩ), do nhà điêu khắc Hans Gieng hoàn thiện từ năm 1543 với tên gọi Gerechtigkeitsbrunnen (Fountain of Justice).
 
Dải băng bịt mắt được giải thích là tượng trưng cho sự vô tư, khách quan; công lý sẽ không bị ảnh hưởng bởi áp lực ngoại cảnh hay không chịu sự tác động, áp đặt từ bất kỳ thế lực nào.
 
Tuy vậy, trên thế giới vẫn tồn tại hình tượng Nữ thần Công lý không bị bịt mắt, lời giải thích được cho rằng với quyền năng độc lập của mình thì Nữ thần Công lý không cần phải bịt mắt vẫn tránh được sự tác động của các yếu tố ngoại và đảm bảo được công bằng, vô tư.
 
- Biểu tượng thanh kiếm (thanh gươm):
 
Đây là biểu tượng cho sức mạnh của quyền uy, cưỡng chế khi cần thiết để giúp bảo đảm cho công lý phải được thực thi. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng thanh kiếm là tượng trưng cho khả năng tìm ra sự thật giữa những điều dối trá, rằng công lý sẽ không có sự thỏa hiệp.
 
Vì sao lại là Nữ thần công lý mà không phải Nam thần công lý?
 
Chắc cũng nhiều bạn thắc mắc câu hỏi trên giống mình. Thực tế vẫn có các nam thần: Thần Apollo (thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật của Hy Lạp), thần Cupid (thần tình yêu trong thần thoại La Mã) thể nhưng tại sao công lý lại là nữ thần?.
 
Thực ra mình vẫn chưa tìm được nguồn nào lý giải chính xác được điều này cả nên tạm thời theo suy nghĩ cá nhân mình, có thể giải thích nguyên do xuất phát là bởi chân lý: Phụ nữ luôn đúng chăng?
 
Hoặc nhìn ở khía cạnh nào đó, công lý đôi khi cũng cần đến cái “tình”. Bởi vậy, ngày nay người ta hay đề cao hoặc theo đuổi những phán quyết phải đảm bảo vừa hợp tình vừa hợp lý. Thế nên, cần đến cái “nhu” của người phụ nữ hơn là do đó.

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây