Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai tấn công sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch). Mặc dù có mức độ ảnh hưởng lớn nhưng trầm cảm chỉ là một phần của các chứng bệnh tâm lý như lo âu, căng thẳng, bạo lực, tăng động rối loạn giới tính đang diễn ra hằng ngày ở môi trường làm việc, trường học và gia đình.
Chuyên trang Trí thức trẻ đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội về vấn đề này.
Bất cứ ai cũng có thể mắc trầm cảm, kể cả người thành công
- Trầm cảm ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Theo bà những người nào sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm?
- Hội chứng trầm cảm ở một góc độ nào là kết quả của stress quá mức. Có những người nhạy cảm hơn với stress và có những người có khả năng ứng phó với stress hiệu quả.
Về mặt lý thuyết, bất cứ ai cũng có thể mắc căn bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các đặc điểm cá nhân, các tác nhân gây ra trầm cảm, những trải nghiệm cuộc sống... mà một số người sẽ dễ bị trầm cảm hơn những người khác.
Nền tảng của trầm cảm là nỗi lo sợ về sự mất mát. Đó có thể là sự mất người thân, mất việc làm, mất một món đồ mà mình yêu quý, thực sự có ý nghĩa lớn với bản thân. Nỗi lo sợ mất mát tác động lên các quá trình trao đổi sinh hóa trong cơ thể, đặc biệt là trên não bộ, liên quan đến trung khu chỉ huy các biến đổi cảm xúc. Sự tác động càng lớn, nguy cơ bị trầm cảm càng gia tăng.
Những cá nhân gặp khó khăn trong quản lý các cảm xúc của bản thân, nhất là quản lý các cảm xúc tiêu cực dễ rơi vào trầm cảm hơn những người có khả năng quản lý cảm xúc hiệu quả và có nhiều cảm xúc tích cực. Những người có khí chất hướng nội, dễ xúc động, không ổn định có nguy cơ mắc trầm cảm hơn những người khác.
- Có phải những người có cuộc sống khó khăn sẽ dễ bị trầm cảm hơn không?
- Không. Điều này còn phụ thuộc vào việc những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống là gì? Chúng diễn biến như thế nào? Đặc trưng cá nhân của những người đó được mô tả như thế nào? Các mối quan hệ xung đột mà họ có thể có trong cuộc sống là gì? Những ai, điều gì, tình huống nào có ý nghĩa lớn đối với họ?...
- Theo một thống kê, cứ 3 doanh nhân thì có một người trầm cảm. Rất nhiều người khởi nghiệp (start-up) bị trầm cảm và cuối cùng phải từ bỏ công việc kinh doanh vì không chịu nổi áp lực. PGS. TS lý giải thế nào về việc nhiều doanh nhân, người thành công, nổi tiếng nhưng cũng thú nhận từng trải qua thời gian bị trầm cảm, thậm chí tự tử vì trầm cảm?
- Mặc dù chưa có nhiều số liệu để khẳng định điều trên. Tuy nhiên, theo những gì mà tôi quan sát được và thực hành trên thực tế, tỷ lệ trầm cảm ở những người thành công, nổi tiếng cũng rất cao. Nhưng bản chất của trầm cảm, hành vi tự sát ở những người đó lại rất khác nhau, do tính chất nghề nghiệp, do xuất thân, do môi trường sống, do các mối quan hệ xung quanh họ.
Có nghĩa là, ở đây chúng ta cần xem xét đến hệ thống môi trường sinh thái của từng cá nhân để biết vì sao họ lại bị trầm cảm, những mất mát nào mà họ đã từng trải qua. Hay nói cách khác, cần xem họ gặp phải những sang chấn nào, những tổn thương nào. Cho dù là vậy, xét cho đến cùng, họ vẫn là những người khó kiểm soát và không quản lý hiệu quả các cảm xúc tiêu cực.
Lâu dần, những cảm xúc đó khiến cho họ không thể đưa ra các cách ứng phó hiệu quả với những khó khăn, những mất mát gặp phải trong cuộc sống. Sự chấp niệm càng lớn, nguy cơ suy giảm đời sống tinh thần hạnh phúc càng tăng. Càng nổi tiếng, càng thành công, mức độ stress càng cao, trải nghiệm stress tiêu cực càng lớn và vì thế nguy cơ mắc trầm cảm càng gia tăng.
Buông bỏ sự cố chấp là một cách cân bằng đời sống tinh thần
- Một trong những nỗi lo nhiều người trẻ ngày nay phải đối mặt là sự nghiệp, gia đình... So với các thế hệ trước, cách họ đối mặt và xử lý vấn đề có gì khác, thưa PGS.TS? Điều đó dẫn đến những hệ quả thế nào?
- Nhiều bạn trẻ hiện nay mất phương hướng rất nhiều. Sự mất phương hướng này nảy sinh từ những lo sợ mất mát về hình ảnh bản thân, từ việc đánh giá không đúng về bản thân, từ sự phụ thuộc về cảm xúc vào người khác, từ sự rối loạn gắn kết với người khác (nhất là gia đình), từ sự hiện thực hóa bản thân "ở đây và bây giờ"...
Nhiều bạn trẻ vội vàng trong xử lý các vấn đề mà mình gặp phải, không rõ ràng về những đau khổ, những tổn thương của bản thân, dần rời xa những trách nhiệm cần có đối với chính bản thân và những người khác...
Chính bởi vậy nhiều người trẻ hiện nay thất bại trong cuộc sống riêng và trong công việc. Tỷ lệ ly hôn, ly tán nhiều hơn, hành vi nguy cơ nhiều hơn. Số người trẻ trầm cảm và có các hành vi vượt giới hạn (bao gồm hành vi tự sát, hành hạ thể xác ....) ngày càng gia tăng.
- Theo PGS. TS chúng ta cần làm gì để cân bằng đời sống tinh thần và tránh nguy cơ bị trầm cảm?
- Thật khó để đưa ra lời khuyên cho tất cả bởi mỗi người, trong sâu thẳm tâm hồn, đều có những nỗi đau khổ riêng. Điều cần làm là tìm cách thấu hiểu bản thân, thấu hiểu sự đau khổ đó, soi chiếu bản thân một cách rõ ràng, để yêu thương bản thân mình, tự chịu trách nhiệm với bản thân mình và yêu thương người khác, có trách nhiệm với mọi điều xảy ra xung quanh mình.
Buông bỏ sự cố chấp là một trong nhiều cách thức giúp chúng ta cân bằng đời sống tinh thần, tự tháo gỡ từng lớp phòng vệ để sống thực với con người mình sẽ giúp cá nhân tránh được nhiều nguy cơ, bao gồm cả trầm cảm.